Thứ năm, 15/02/2024 15:59

Đào tạo cơ sở hạ tầng trong ASEAN giai đoạn 4 và cơ hội tham gia của Việt Nam

Viện Vật lý kỹ thuật Liên bang Đức (PTB) sắp triển khai chương trình “Đào tạo về độ không đảm bảo đo, hiệu chuẩn, xác định giá trị sử dụng phương pháp và lấy mẫu cho các chuyên gia đánh giá công nhận của các nước thành viên ASEAN”. Chương trình đào tạo dự kiến được tổ chức tại Phnom Pênh, Camphuchia từ 12 đến 15/03/2024.

Theo đó, PTB đang tiến hành “Khảo sát về nhu cầu phát triển và ưu tiên của các tổ chức công nhận trong ASEAN” theo dự án về nâng cao cơ sở hạ tầng trong ASEAN giai đoạn 4.

Tại Cuộc họp lần thứ 41 của Nhóm công tác (WG2) về Đánh giá sự phù hợp trực thuộc Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN ngày 9-10/05/2023 diễn ra tại Đà Nẵng, các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất chuyển 05 hoạt động đang chờ xử lý từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 4 của dự án.

Song song với việc tiến hành khảo sát trực tuyến về nhu cầu cần phát triển và ưu tiên của các tổ chức công nhận trong ASEAN, nhằm xây dựng năng lực, hỗ trợ các tổ chức công nhận phát triển chương trình công nhận mới và nâng cao hơn nữa các chương trình công nhận hiện có, PTB cũng đồng thời triển khai chương trình “Đào tạo về độ không đảm bảo đo, hiệu chuẩn, xác định giá trị sử dụng phương pháp và lấy mẫu cho chuyên gia đánh giá công nhận của các nước thành viên ASEAN”.

PTB đưa ra tiêu chí tài trợ cho các đối tượng tham gia khóa đào tạo, trong đó có tiêu chí về chuyên gia kỹ thuật thực hiện đánh giá, xây dựng báo cáo hoặc cán bộ đo lường tại các phòng thử nghiệm. Một số nước thành viên được xem xét, đề cử 03 đại diện tham dự, trong đó có Việt Nam; các quốc gia còn lại cử 02 đại diện.

Nắm bắt kịp thời cơ hội hội nhập cũng như nhận thức được ý nghĩa quan trọng và tính cần thiết của việc tham gia khóa đào tạo nêu trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cử 03 đại diện đủ tiêu chí và đảm bảo năng lực đến từ 03 đơn vị trực thuộc (Trung tâm kỹ thuật 1, 2 và Viện Đo lường Việt Nam) tham dự.

Đây không chỉ là cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mà từ đó còn đề xuất các biện pháp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói riêng và của Việt Nam nói chung có năng lực hội nhập và hợp tác quốc tế, không ngừng nắm bắt xu thế, tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát triển trong thời gian tới.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)