Gút - bệnh lý đáng lo ngại
Gút là bệnh lý chuyển hóa liên quan đến tăng nồng độ axit uric trong máu, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp hoặc viêm khớp mạn tính do lắng đọng tinh thể mononatri urat. Trong khi đó, xanthin oxidase (XO) là một enzym có vai trò quan trọng trong tổng hợp axit uric. Axit uric là sản phẩm cuối của quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể. Đây là một axit yếu, nên thường được ion hóa thành muối urat hòa tan trong huyết tương và dịch ngoại bào. Việc sản xuất axit uric được xúc tác bởi enzyme XO ở gan, đóng vai trò quan trọng trong quá trình oxy hoá hypoxanthine thành xanthine và xanthine thành axit uric. Rối loạn chuyển hóa purin làm tăng axit uric máu, dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat tại khớp hay mô, gây bệnh viêm khớp do gút, bệnh thận do gút hoặc sỏi tiết niệu... Dựa vào mối liên quan mật thiết giữa nồng độ axit uric máu và enzym XO, nên ức chế enzym XO là một trong những cơ chế chính mà các thuốc phòng và điều trị gút đang hướng tới. Hiện nay, có 2 nhóm thuốc giảm axit uric là thuốc tăng đào thải axit uric và thuốc chống tổng hợp axit uric. Trong đó, thuốc tăng đào thải axit uric không mang lại nhiều hiệu quả mà còn có nguy cơ cao gây sỏi thận, sỏi tiết niệu cho người bệnh; còn nhóm thuốc giảm axit uric hoạt động theo cơ chế ức chế enzyme XO được đánh giá hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn.
Gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh gút đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, trở thành vấn đề đáng quan tâm trên thế giới. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh gút và mối liên quan với các bệnh lý tim mạch, sỏi thận, đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp, đột quỵ… đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu khiến bệnh gút trở nên khó điều trị. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh gút ngày càng trẻ hóa và thực tế có khoảng 35% dân số đang phải sống chung với bệnh này. Nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh gút sẽ trở thành một trong những căn bệnh chuyển hóa phổ biến nhất trong tương lai, chỉ đứng sau bệnh tiểu đường tuýp 2.
Để điều trị bệnh gút, các nhà khoa học đã hướng đến việc tổng hợp các loại thuốc có tác dụng chính là hạ acid uric máu và chống viêm. Ưu điểm của thuốc tổng hợp là tác dụng nhanh, sử dụng thuận tiện nhưng các thuốc này thường đi kèm một số tác dụng phụ không mong muốn như các phản ứng quá mẫn cảm, gây độc với thận, tủy xương… làm hạn chế hiệu quả trong điều trị. Mặt khác, do bệnh mãn tính, người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài nên chi phí điều trị rất tốn kém. Chính vì vậy, nỗ lực tìm kiếm những hoạt chất mới có tác dụng ức chế enzym XO hiệu quả và ít tác dụng phụ để thay thế là rất cấp thiết.
Chế phẩm thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh gút
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi, ráy hay còn gọi là cây ráy dại, dã vu… là một loại cây mềm cao 0,30-1,40 m, có thể dài tới 5 m nhưng phía dưới bò, trên đứng dưới đất có thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vẩy màu nâu. Lá ráy to, hình tim dài 10-50 cm, rộng 8-45 cm, cuống mẫm dài 15-120 cm. Cây ráy được coi như một loại dược liệu cổ truyền, đã được sử dụng rất lâu trong dân gian bởi có nhiều tác tác dụng quý.
Với mục tiêu phát triển các chế phẩm bổ sung có nguồn gốc từ thực vật trong hỗ trợ điều trị bệnh gút, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Hà đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính ức chế enzym xanthin oxidase và tạo chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút của củ ráy dại (Alocasia odora K. Koch)”.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà và các cộng sự đã phân lập và xác định được cấu trúc của 07 hợp chất bao gồm: Alocasin A (AO1), Hyrtiosin B (AO2), β-sitosterol (AO3), β-sitosterol β-D-glucoside (AO4), Hyrtiosulawesine (AO5), myristic acid (AO6) và cis-p-hydroxycinamic acid (AO7) từ cặn chiết EtOAc và MeOH của củ ráy dại. Kết quả thử nghiệm sinh học cho thấy, các hợp chất alcaloid thể hiện hoạt tính ức chế enzym alpha glucosidase mạnh (với giá trị IC50 từ 5,25±0,32 đến 29,59±3,7 µM), tác dụng ức chế enzym XO ở mức khá (với giá trị IC50 từ 44,34±2,15 đến 93,29±4,7 µM) và tác dụng ức chế sản sinh NO ở mức trung bình (với giá trị IC50 163,3±11,7 đến 294,9±9,8 µM).
Đặc biệt, TS. Nguyễn Thị Thu Hà và cộng sự đã nghiên cứu độc tính cấp và tác dụng hạ axit uric trên chuột thực nghiệm của chế phẩm AO. Kết quả cho thấy, với mức liều 5.000 mg/kg thể trọng không gây chết động vật thí nghiệm theo đường uống và mức liều 500 mg/kg có tác dụng hạ 26,31% hàm lượng acid uric máu so với mô hình bệnh.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng quy trình tạo chế phẩm AO là hỗn hợp giàu alcaloid với hàm lượng 44,95%, có hoạt tính ức chế enzym XO với giá trị IC50 là 18,56±1,2 µg/ml và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm này.
Chế phẩm AO từ củ ráy dại
Từ những kết quả đã đạt được, các nhà khoa học Viện Hoá học mong muốn tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu để hoàn thiện kết quả đề tài và phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gút cũng như các bệnh liên quan trên cơ sở các hợp chất có hoạt tính từ loài ráy dại.
Chu Ngân & Phong Vũ