Thứ ba, 09/01/2024 11:03

10 Thành tựu, sự kiện tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023

Năm 2023 là tròn 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) (1993-2023) và 117 năm truyền thống (1906-2023). Đây cũng là năm mà ĐHQGHN được đánh giá là có nhiều thành tựu và sự kiện tiêu biểu.

1. Kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống

Ngày 10/12/2023, tại Hòa Lạc, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (1993-2023) và 117 năm truyền thống (1906-2023). Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển ĐHQGHN; là sự kiện có ý nghĩa trên phương diện quốc gia và quốc tế.

Sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng trong bối cảnh mới. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, với truyền thống vẻ vang và đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu đất nước, sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ thầy và trò, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành, ủng hộ của Chính phủ cùng các bộ, ngành, với sự tự chủ cao, ĐHQGHN đã luôn sáng tạo, tiên phong, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, đề xuất và thí điểm thành công nhiều chính sách quan trọng, tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học, xứng đáng là ngọn cờ, là nòng cột của giáo dục đại học Việt Nam.

2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều nguyên thủ, chính khách đến thăm, làm việc với ĐHQGHN

Năm 2023, ĐHQGHN vinh dự được đón tiếp nhiều nguyên thủ, chính khách đến thăm, làm việc và giao lưu cùng sinh viên.

Ngày 14/04/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với ĐHQGHN và trao tặng cây xanh cho sinh viên ĐHQGHN. Thủ tướng đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQGHN về những thành tích đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ngày 10/01/2023, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tới thăm và giao lưu với cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN. Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga một lần nữa khẳng định Trường Đại học Việt Nhật là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu cho thế hệ tiếp theo.

Ngày 07/04/2023, Phó Thủ tướng Liên bang Nga D.N. Chernyshenko đã đến thăm ĐHQGHN và giao lưu với lãnh đạo, giảng viên, sinh viên học tiếng Nga tại ĐHQGHN. Phó Thủ tướng Liên bang Nga D.N. Chernyshenko bày tỏ vui mừng khi ĐHQGHN với uy tín nhiều năm là nơi đào tạo các nhà giáo, nhà ngôn ngữ tiếng Nga ưu tú đã xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều trường đại học LB Nga. Nhiều chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu chung đã được triển khai thành công. Đồng thời, ĐHQGHN cũng là cầu nối, đầu mối tổ chức các sự kiện giao lưu lịch sử, văn hóa giữa 2 quốc gia.

Ngày 22/06/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân đã thăm ĐHQGHN và giao lưu với các học viên tiếng Hàn Quốc nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống tới Việt Nam từ ngày 22-24/06/2023. Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới ĐHQGHN có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa 2 nước, đồng thời tạo cơ hội cho các học viên tiếng Hàn được giao lưu, tiếp xúc và trao đổi về Hàn Quốc và về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngày 29/08/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Thủ tướng Lý Hiển Long và Phu nhân đến thăm ĐHQGHN và giao lưu, ăn trưa cùng sinh viên nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Singapore tới Việt Nam từ ngày 27-29/08/2023. Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long, ĐHQGHN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cùng Đại học Công nghệ Nanyang (NTU - Singapore) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các đại học trong lĩnh vực trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học.

Ngày 22/09/2023, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino cùng Công nương Kiko đã đến thăm Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN và giao lưu với giảng viên, học viên và sinh viên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/09/1973-21/09/2023). Tiếp đó, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino đã tới tham quan Bảo tàng Sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN - nơi lưu giữ 2 hiện vật là cá bống trắng và gà Onagadori do Hoàng gia Nhật Bản tặng.

Ngày 13/12/2023, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, GS Bành Lệ Viên và Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Phan Thị Thanh Tâm đã đến thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên. Tại buổi giao lưu với 2 Phu nhân, các sinh viên ĐHQGHN đã chia sẻ, bày tỏ quan tâm tới ngôn ngữ, văn hóa, điện ảnh, trang phục Trung Quốc, về tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc thông qua trao đổi văn hóa, hợp tác học thuật và viếng thăm lẫn nhau…

3. Ban hành nhiều chính sách nhằm kiến tạo môi trường đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao

ĐHQGHN đã nỗ lực kiến tạo môi trường giáo dục và nghiên cứu khoa học chất lượng cao thông qua việc ban hành một số chính sách hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên góp phần thu hút các nhà khoa học, nhất là cán bộ khoa học trẻ có trình độ cao về làm việc tại ĐHQGHN, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản và phát triển công nghệ cốt lõi. Các chính sách được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ đơn vị cũng như phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ, hỗ trợ giảng viên, cán bộ và người học. Đây là động lực để giảng viên, nhà khoa học hăng say đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao vị thế và uy tín học thuật của ĐHQGHN trên trường quốc tế.

Một số chính sách cụ thể là: Thông báo Chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc; Quy định quản lý dự án sản xuất thử nghiệm cấp ĐHQGHN; Hướng dẫn tạm thời về thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN; Quy hoạch phòng thí nghiệm trọng điểm, ban hành hướng dẫn phát triển và chế độ ưu đãi dành cho nhóm nghiên cứu mạnh; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN; Ưu tiên các hạng mục trong các dự án đầu tư về KH&CN hàng năm; Ưu tiên đề xuất các nhiệm vụ cấp quốc gia và quốc tế, nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp; Đề án Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN đến năm 2025; Chương trình học bổng cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sỹ với giá trị lên đến 100 triệu đồng/năm cho nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế xuất sắc; Chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sỹ; Chương trình học bổng dành cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản… Ngoài ra, ĐHQGHN tiếp tục triển khai một số giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ nhà khoa học. Những chính sách này đã cải thiện môi trường làm việc cũng như góp phần giảm nguy cơ “chảy máu chất xám”, đồng thời tăng cường thu hút cán bộ khoa học đến làm việc tại ĐHQGHN.

4. Hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực để thực hiện trách nhiệm quốc gia

Ngày 17/05/2023, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định số 1717/QĐ-ĐHQGHN về việc tiếp nhận nguyên trạng và tổ chức lại Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc ĐHQGHN. Bệnh viện Đại học Y Dược là đơn vị phục vụ, dịch vụ của ĐHQGHN. Đây là mô hình bệnh viện - đại học kiểu mẫu đầu tiên tại miền Bắc. Với môi trường học thuật của ĐHQGHN, mô hình bệnh viện - đại học sẽ có điều kiện gắn kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, tăng cường đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, triển khai các ứng dụng thực tế và áp dụng công nghệ cao.

Ngày 12/12/2023, Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐHQGHN trực thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục được thành lập theo Quyết định số 4748/QĐ-ĐHQGHN của Giám đốc ĐHQGHN. Trung tâm có chức năng hỗ trợ giảng viên về phương pháp và công nghệ trong đào tạo trực tuyến; phát triển nội dung đào tạo trực tuyến; phối hợp quảng bá dịch vụ đào tạo trực tuyến và hỗ trợ tuyển sinh cho các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN…

Trong năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQGHN đã thông qua quy trình, thủ tục thành lập và kiện toàn hội đồng trường của các trường đại học thành viên trên nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đặc thù của ĐHQGHN cũng như các trường đại học thành viên.

Trong xu thế phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, được sự ủng hộ của các cơ quan liên quan, ĐHQGHN sẽ tiếp nhận Trường Đại học Hà Tĩnh là trường đại học thành viên, nâng cấp trở thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu của ĐHQGHN ở miền Trung để triển khai các chương trình KH&CN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển, triển khai các dự án hợp tác với các quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia.

5. Phát triển giáo dục toàn diện và triển khai mở mới nhiều chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Năm 2023, ĐHQGHN triển khai các chính sách phát triển đào tạo các ngành khoa học cơ bản một cách bền vững. Ưu tiên đầu tư để phát triển các chương trình đào tạo tài năng; các chương trình mũi nhọn, kỹ thuật - công nghệ. Tiếp tục mở rộng quy mô và đổi mới đào tạo tại Hòa Lạc theo hướng đào tạo toàn diện cả về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và thể chất. Triển khai Đề án thí điểm đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN, làm cơ sở để từng bước chuyển đổi mô hình đào tạo trực tuyến một cách thực chất ở ĐHQGHN.

Bắt đầu từ năm học 2023-2024, ĐHQGHN triển khai xây dựng chương trình giáo dục thể chất mới, trong đó chính thức đưa Bộ môn Võ cổ truyền vào giảng dạy cho sinh viên ĐHQGHN. Cùng với đó, ĐHQGHN tổ chức hoạt động thể dục thể thao theo mô hình câu lạc bộ cho sinh viên ĐHQGHN nhằm phát triển năng lực sở trường, tạo hứng thú, duy trì thói quen tập luyện thường xuyên cho sinh viên.

Năm qua, ĐHQGHN đã phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của ĐHQGHN, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. ĐHQGHN cũng mở mới các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, trong đó có chương trình đào tạo mang tính tiên phong trong hệ thống các ngành, chuyên ngành đào tạo về sức khỏe tại Việt Nam, góp phần mở rộng và vững chắc cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Một số ngành tiên phong, mũi nhọn lần đầu tiên được mở ở Việt Nam như chương trình đào tạo đại học các ngành: Môi trường, Sức khỏe và An toàn; Sinh dược học (của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia (của Trường Đại học Ngoại ngữ); Kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ thực phẩm và sức khỏe (của Trường Đại học Việt Nhật); Thiết kế sáng tạo (của Khoa Các khoa học liên ngành)…

6. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gia tăng nhiều giá trị đặc sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước

ĐHQGHN luôn đi đầu trong phát triển công nghệ, khởi nghiệp và chuyển giao tri thức, góp phần phát triển bền vững các vùng và địa phương nơi ĐHQGHN hợp tác. Trong những năm qua, ĐHQGHN đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước như: Chương trình Tây Bắc, Nhiệm vụ Xây dựng Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học…

Trong năm 2023, ĐHQGHN tiếp tục tham gia phát triển các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia như Chương trình chip, bán dẫn; hydrogen, công nghệ sinh học, y - dược, khoa học biển, khoa học sức khỏe… Cùng với đó, ĐHQGHN đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…

7. ĐHQGHN xếp hạng 70 thế giới về tiêu chí giáo dục có chất lượng và không ngừng gia tăng uy tín tại nhiều bảng xếp hạng quốc tế 

Trong năm qua, chất lượng đào tạo của ĐHQGHN tiếp tục được xã hội đánh giá cao. Theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới như Tạp chí Times Higher Education và QS, ĐHQGHN liên tục là đại học tốt nhất Việt Nam, trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. ĐHQGHN giữ vững xu hướng gia tăng lĩnh vực được xếp hạng và tăng điểm ở tiêu chí Uy tín học thuật và Tuyển dụng.

Năm 2023, THE Impact Rankings lấy việc tiên phong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc làm tiêu chí. ĐHQGHN có thứ hạng 401-600 thế giới trong bảng xếp hạng này, đặc biệt, ĐHQGHN có sự bứt phá mạnh mẽ ở thứ hạng 70 thế giới về tiêu chí Giáo dục có chất lượng.

Theo kết quả Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á 2024 của Tổ chức xếp hạng QS (QS AUR 2024), ĐHQGHN được xếp ở vị trí 187 - trong nhóm 22% các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Theo kết quả QS AUR 2024, ĐHQGHN đã có bước tiến vững chắc về Uy tín tuyển dụng khi gia tăng lên vị trí 131 của châu Á (với mức điểm 34,2 điểm).

Năm 2023, Tạp chí Times Higher Education xếp ĐHQGHN vào nhóm 351-400 trường đại học hàng đầu châu Á. Trong tổng số 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng, ĐHQGHN được đánh giá cao nhất ở nhóm tiêu chí Giảng dạy (môi trường học tập, 21,7 điểm).

Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ 2 của năm 2023. Trong kỳ xếp hạng lần này, ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị trí trong top 700 cơ sở giáo dục xuất sắc nhất với vị trí 671, tăng 87 bậc so với kỳ xếp hạng năm 2022, tiếp tục duy trì vị thế số 1 Việt Nam và củng cố vị trí xếp hạng ở khu vực (vị trí thứ 12 Đông Nam Á và vị trí 167 châu Á).

8. Hoạt động hợp tác và phát triển nâng tầm vị thế ĐHQGHN

Trong những năm gần đây, ĐHQGHN tiếp tục tiên phong trong xúc tiến đầu tư và hợp tác công tư. Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 của ĐHQGHN thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và tạo ra giá trị khác biệt khi thúc đẩy vai trò của sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực. Đây là lần thứ 2 hội nghị được tổ chức để thu hút các nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP). ĐHQGHN không chỉ tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn hướng tới trở thành đơn vị tìm được những giải pháp cùng doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến, phát triển các hoạt động kinh doanh, đặc biệt các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tài chính để huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân cùng cộng hưởng với nguồn lực của ĐHQGHN là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín tầm quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH&CN. 

9. Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc chuyển mình tích cực

ĐHQGHN đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị đã được chính thức đưa vào vận hành, từng bước hoàn thiện, đồng bộ theo mô hình “5 trong 1”, góp phần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới. ĐHQGHN tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu cho khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tập trung tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc từ năm học 2023-2024, đem đến một sức sống mới cho mảnh đất Hòa Lạc. Ngoài tổ hợp giảng đường HT1, HT2 đang vận hành, phục vụ người học từ năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục đưa vào hoạt động khu tổ hợp khu giảng đường, ký túc xá QG-HN04 đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu cho hàng nghìn sinh viên.

Năm học mới 2023-2024 bắt đầu với thầy và trò của ĐHQGHN trong một bối cảnh đặc biệt, sau hơn 1 năm chuyển trụ sở ĐHQGHN tới Hòa Lạc, đến nay, có gần 30 đơn vị thành viên, trực thuộc hiện diện tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ngoài ra, nhiều hoạt động, sự kiện quy mô hàng nghìn người đã được tổ chức tại Hòa Lạc.

10. Nhiều cá nhân, đơn vị được vinh danh

Trong năm 2023, theo bảng xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học của website Research.com, 4 nhà khoa học của ĐHQGHN tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng của thế giới và dẫn đầu Việt Nam với 3 lĩnh vực là GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ; GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh - lĩnh vực Khoa học Môi trường; PGS.TS Lê Hoàng Sơn - lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Năm học 2022-2023, các học sinh các trường THPT của ĐHQGHN đã tiếp tục có những thành tích tốt trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã đoạt 04 huy chương Vàng (Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học), 02 huy chương Bạc (Tin học, Sinh học), 02 huy chương Đồng (Tin học, Sinh học) tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Đặc biệt đội dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế Regeneron ISEF tổ chức tại Hoa Kỳ của Trường đoạt giải Ba lĩnh vực Tin sinh và Sinh học tính toán. Học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã đoạt 05 giải chiến thắng Olympic tiếng Nga tại Việt Nam lần thứ 16. Học sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục đoạt 10 huy chương Vàng cuộc thi khoa học - kỹ thuật phát minh sáng chế tại Hàn Quốc…

TD, ND

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)