Thứ năm, 28/12/2023 09:49

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: Hướng tới sự kiện 40 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt

Đây là định hướng hoạt động nổi bật của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, hướng tới thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, năm 2023 Viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng, chất lượng, với 48 nhiệm vụ các cấp được thực hiện, tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng ứng dụng năng lượng nguyên tử, đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc như: Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt với 49 đợt, tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 5.645 giờ (chỉ tiêu đặt ra là 30 đợt, 80-100 giờ/đợt). Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân đã đảm bảo vận hành liên tục Mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã vận hành máy gia tốc Cyclotron 13 MeV và sản xuất dược chất phóng xạ FDG cung cấp cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội phục vụ chẩn đoán sớm bệnh ung thư (năm 2023, Trung tâm đã sản xuất được hơn 100.000 mCi dược chất phóng xạ FDG cung cấp cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103, Bệnh viện 19/8 và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh PET/CT cho hơn 5.000 bệnh nhân). Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong Công nghiệp đã thắng thầu 03 gói thầu quốc tế về thiết kế, chế tạo thiết bị CT trong công nghiệp do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) mời thầu…

Bên cạnh đó, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và thu được những kết quả nổi bật đáng ghi nhận: tiếp tục triển khai thực hiện 02 dự án do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế hỗ trợ Việt Nam: VIE1010 về “Thúc đẩy chương trình phát triển an toàn lò phản ứng (Pha 3: Nâng cao năng lực quốc gia về phân tích an toàn và đánh giá rủi ro)” và VIE7006 về “Sử dụng đồng vị làm công cụ đánh giá tổng hợp điều kiện dòng chảy và sinh địa hóa hệ thống sông Hồng khu vực hạ lưu, thuộc địa phận Việt Nam”. Đồng thời, là đầu mối triển khai 10 dự án khu vực Non-RCA (RAS) và 03 dự án liên vùng (INT) cho tất cả các nước thành viên trong đó có Việt Nam.

Về định hướng hoạt động trong năm 2024, TS Trần Chí Thành cho biết, các đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực và hướng tới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra; thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường; đẩy mạnh hướng nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy trong các nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân, an toàn hạt nhân, phân tích số liệu đo quan trắc môi trường và chuẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực y học hạt nhân; tiếp tục đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, nhóm nghiên cứu mạnh về mô phỏng tính toán phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí và môi trường nước (biển); chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành và khai thác an toàn hiệu quả cho lò phản ứng mới…

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)