Thứ bảy, 23/12/2023 13:57

Chìa khóa để tham gia thị trường Halal

Mới đây, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal”.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, tham gia và hội nhập vào thị trường Halal là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhà nước rất quan tâm. Bên cạnh đó, Tổng cục TĐC được giao thành lập Trung tâm Chứng nhận Quốc gia về Halal trong đó có sự đồng hành của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông. Hoạt động chứng nhận Halal là nội dung rất mới, đây không chỉ là vấn đề khoa học, y tế, mà còn là vấn đề xã hội, TĐC luôn cầu thị, học hỏi các nước để làm sao hoạt động chứng nhận Halal được tốt nhất. Do vậy, hội thảo tổ chức với ý nghĩa mong muốn nhận sự hỗ trợ và tham gia thị trường các nước, đồng thời chứng minh được tầm quan trọng của tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal trong thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu một cách bền vững.

Tại Hội thảo, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’Tan Yang Thai cho hay, các thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng an toàn và được chứng nhận Halal là niềm tin cho người tiêu dùng Hồi giáo. Chứng nhận Halal được thực hiện bởi các cơ quan chứng nhận Halal độc lập, có đủ điều kiện và người kiểm tra, xác minh, xác nhận các nguồn, thành phần, quy trình và cơ sở liên quan đến việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ Halal. Việc chứng nhận Halal cũng liên quan đến dán nhãn và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ với logo hoặc biểu tượng của Halal dễ được nhận biết. Chứng nhận Halal đem lại rất nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Hội thảo cũng trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.

Thị trường Halal được đánh giá là thị trường tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu đạt 3.000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Quacert và Iames.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Quacert và IAMES với mục tiêu phát triển kiến thức, xây dựng tiêu chuẩn, dịch vụ chứng nhận, hợp tác quốc tế về Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên và cơ quan chính phủ khác nhau để nâng cao hiểu biết và thực hành Halal dựa trên cơ sở năng lực và kiến thức của mỗi bên.

HM

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)