Thứ ba, 26/12/2023 15:59

Sơn La: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cây ăn quả chất lượng cao

TS Nguyễn Minh Đức

Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La

Trong những năm gần đây, Sơn La trở thành một điểm sáng về phát triển cây ăn quả với diện tích, năng suất và sản lượng đứng ở tốp đầu của cả nước. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành tựu này là do Sơn La sớm có chủ trương và chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển cây ăn quả chất lượng cao nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thúc đẩy phát triển thương hiệu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh.

Giai đoạn 2017-2022, diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã tăng từ 35.078 ha (sản lượng 139.288 tấn) lên 70.592 ha (sản lượng 453.554 tấn). Hoạt động KH&CN của tỉnh đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu

Giai đoạn 2017-2022, trên địa bàn Sơn La đã có gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và cây ăn quả chất lượng cao. Các công trình nghiên cứu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nhiều loại cây ăn quả, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xoài tròn Yên Châu, Sơn La có quả to, hạt nhỏ, ít chất xơ.

Đề tài “Nhân giống xoài tròn Yên Châu bằng phương pháp ghép” đã tiến hành các bước tuyển chọn, công nhận 19 cây đầu dòng; tổ chức ghép cải tạo vườn xoài có năng suất thấp, chất lượng kém, sâu bệnh nhiều tại địa phương bằng mắt ghép của cây đầu dòng; trồng mới và nhân giống xoài tròn bằng phương pháp ghép. Xoài giống Yên Châu được tuyển chọn theo hướng quả to, hạt nhỏ, giảm tỷ lệ chất xơ (đã lựa chọn được được 03 cây ưu tú có khối lượng quả đạt 180 g/quả trở lên, tỷ lệ phần ăn được trên 70% và hàm lượng chất xơ nhỏ hơn 6%). Đề tài cũng đã xây dựng nhiều quy trình phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng xoài Yên Châu (nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản...) đáp ứng yêu cầu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

Đề tài “Nghiên cứu thị trường và dịch vụ logistics đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu) của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước châu Âu” được triển khai với mục tiêu xác định được thị trường và các mặt hàng nông sản có lợi thế để xuất khẩu (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu); phát triển dịch vụ logistics, xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các hiệp hội, nhà nhập khẩu, xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu nông sản phù hợp.

Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo (Ziziphus mauritania Lamk) mới có năng suất cao, chất lượng tốt tại Sơn La” đã lựa chọn các giống Đại táo 15, Đài Loan, VC1 phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đề tài cũng đã xây dựng được mô hình nhân giống táo bằng phương pháp ghép mắt; xây dựng quy trình nhân giống, quy trình ghép cải tạo giống táo mới, quy trình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng. Kết quả của đề tài là cơ sở để nhân rộng và phát triển diện tích trồng táo có chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm khai thác đất dốc, kém hiệu quả, đề tài “Nghiên cứu lựa chọn giống và biện pháp kỹ thuật sản xuất dứa hàng hóa trên đất dốc kém hiệu quả tại tỉnh Sơn La” đã được triển khai từ năm 2022. Mục tiêu của đề tài là lựa chọn được các giống dứa có năng suất, chất lượng tốt và các biện pháp kỹ thuật phù hợp trên đất dốc, kém hiệu quả, phục vụ cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh Sơn La.

 Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Sơn La cũng đã triển khai một số đề tài nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh như: “Nghiên cứu biện pháp phòng chống các loài sâu, bệnh chính trên cây chanh leo theo hướng tổng hợp tại Sơn La”; “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KH&CN xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất na tại Sơn La”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây: nhãn, xoài, bơ, thanh long tại tỉnh”; “Nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình trồng nho giống mới chịu hạn (giống Hạ Đen) theo hướng hữu cơ tại Sơn La”; “Nghiên cứu trồng thử nghiệm và đánh giá tính thích ứng của một số dòng/giống Mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La”…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến bộ, phù hợp

Ngoài việc triển khai các đề tài KHCN, tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào phát triển cây ăn quả của tỉnh.

Công nghệ ghép chuyển đổi giống và sản xuất nhãn theo tiêu chuẩnVietGap được triển khai trong dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã”. Với quy mô ban đầu 4 ha, đến nay dự án đã mở rộng được hơn 7.000 ha tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La… Nhiều diện tích đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản phẩm nhãn Sông Mã đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận và được cấp mã vùng trồng để phục vụ xuất khẩu và đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc...

Công nghệ nuôi cấy mô được áp dụng trong mô hình trồng chuối nguyên liệu chất lượng cao ở Công ty CP rượu Việt Pháp (Yên Châu). Việc sử dụng giống chuối mới từ cây nuôi cấy mô có năng suất cao, chất lượng tốt đã hình thành được vùng trồng chuối nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến. Hiện nay, diện tích trồng chuối trên địa bàn huyện Yên Châu đã lên tới hơn 700 ha và Công ty CP rượu Việt Pháp đã tiêu thụ trên 500 tấn chuối quả/năm để sản xuất chuối khô và rượu chuối.

Mận Hậu Mộc Châu - một trong những đặc sản của Sơn La.

Dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu, điều tra đánh giá để phát triển vùng trồng cam, quýt tỉnh Sơn La” đã đánh giá được thực trạng các điều kiện ảnh hưởng đến phát triển vùng trồng cam, quýt. Bước đầu dự án đã đề xuất được các giống, vùng trồng thích hợp tại Sơn La. Kết quả triển khai các mô hình thử nghiệm trồng mới cho thấy, mô hình quýt cải tạo tại xã Chiềng Cọ đã giúp tăng lượng nước và độ ngọt của quả; mô hình tại xã Chiềng Ban cho năng suất, mẫu quả đẹp hơn so với trước đây.  Từ đó làm tăng giá trị và diện tích vùng trồng quýt ở 2 xã này lên gần 100 ha. Hiện nay, kết quả của dự án vẫn tiếp tục được duy trì và nhân rộng, nhiều nhà vườn đã cho sản phẩm với thu nhập 250-300 triệu đồng/ha. Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu” đã xác định được 2 giống mận chín sớm hơn mận Tam hoa từ 10 đến 20 ngày, chất lượng tốt, năng suất cây thời kỳ kinh doanh đạt 20 tấn/ha, thích hợp với điều kiện sinh thái tại Mộc Châu (giống October Blood và Unknown). Các quy trình nhân giống; quy trình trồng, chăm sóc vườn mận chín sớm đã được ứng dụng để mở rộng sản xuất tại các xã của huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Việc triển khai mô hình trồng các giống mận chín sớm đã nâng cao giá bán sản phẩm mận gấp 3-4 lần so với chính vụ.

Đối với cây bơ, tỉnh Sơn La đã triển khai dự án sản xuất thử nghiệm: “Xây dựng mô hình trồng cây bơ theo tiêu chuẩn VietGaP trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Dự án đã xây dựng các mô hình trồng mới, mô hình ghép cải tạo áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap. Các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (đối với mô hình trồng mới, mô hình đang sản xuất ổn định, mô hình bơ cho năng suất thấp) được xây dựng chi tiết, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương và đã được chuyển giao, áp dụng ngay vào thực tế, góp phần phát triển bền vững cây bơ theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị.

Dự án sản xuất thử nghiệm: “Xây dựng mô hình thâm canh một số giống bưởi chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Sơn La” đã xây dựng được các mô hình trồng mới; mô hình tác động kỹ thuật chăm sóc diện tích bưởi đã có theo hướng VietGap. Dự án cũng đã góp phần hoàn thiện 04 quy trình kỹ thuật: Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; Quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh bưởi chất lượng cao; Quy trình kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho cây bưởi; Quy trình kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây bưởi. Đến nay, các mô hình đã được các hợp tác xã tiếp nhận quy trình kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và kinh doanh. Sản phẩm của các mô hình đã cho thu hoạch và được tiêu thụ ổn định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thúc đẩy phát triển thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả

Tính đến cuối năm 2022, Sơn La đã có 24 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ; gồm: 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (Cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu); 18 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (Chè Tà Xùa Bắc Yên; Mật ong Sơn La; Khoai sọ Cụ Cang). Trong 24 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ để xây dựng và phát triển thương hiệu, có 12 sản phẩm cây ăn quả (chiếm 50%).

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho 03 sản phẩm: Thanh Long Sơn La, Gạo Phù Yên, Rượu Hang Chú (Bắc Yên) và đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc cho sản phẩm nhãn và xoài của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung phát triển thương hiệu sản phẩm cây ăn quả như: xây dựng các phóng sự về sản phẩm; tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình về quản lý, sử dụng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm; cách thức, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài tỉnh và tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng tiện ích tạo mối liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ.

*

*      *

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN mới vào sản xuất được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu trong quá trình hội nhập. Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN của tỉnh Sơn La đã tạo được nhiều khâu đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)