Thứ sáu, 15/12/2023 13:59

Bắc Ninh: Chú trọng phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Cảnh Hưng

Sở hữu những điều kiện thiên thiên ưu đãi về thổ nhưỡng và kinh nghiệm thâm canh lâu năm, người dân xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng vùng canh tác trồng chuối rộng hàng trăm ha, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian gần đây, người dân tiếp tục chú trọng mở rộng diện tích trồng chuối theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, tiến tới xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Cảnh Hưng.

Người dân xã Cảnh Hưng dọn cỏ ở vườn chuối theo phương thức thủ công thay vì dùng thuốc diệt cỏ độc hại (ảnh: Hợp tác xã Cảnh Hưng).

Những lợi nhuận kinh tế mà cây chuối mang lại

Cảnh Hưng là một xã thuần nông thuộc huyện Tiên Du, cách trung tâm huyện 10 km về phía đông, với tổng diện đất canh tác là 254 ha, trong đó diện tích đất lúa 104,8 ha, chuối 101 ha, còn lại là diện tích cây rau màu, cây khác. Xã Cảnh Hưng hiện có khoảng 500 hộ tham gia trồng chuối, tập trung chủ yếu tại bãi bồi thôn Rền, Thượng... Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác và sản xuất, năng suất chuối tăng qua từng năm, bình quân đạt 25-30 tấn/ha/năm. Ước tính, khoảng 70% chuối Cảnh Hưng được xuất sang Trung Quốc, với giá trung bình từ 6.000-7.000 đồng/kg, cho doanh thu ước đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.

Thực tế cho thấy, chuối là cây trồng có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây, tuy nhiên, trên địa bàn mới chỉ có HTX nông nghiệp và thủy sản Cảnh Hưng và khoảng 3-4 hộ dân có vùng sản xuất quy mô lớn hơn 10 ha, còn lại vẫn chủ yếu canh tác theo hình thức nhỏ lẽ, riêng rẽ. Việc các hộ dân tự trồng và chăm sóc gây khó khăn cho việc kiểm soát quy trình và chất lượng. Bên cạnh đó, các hộ dân nhỏ lẻ còn phải đối mặt với những khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong khi giá đầu vào của vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đang ngày càng tăng.

Giải pháp gia tăng chất lượng và mở rộng thị trường cho chuối Cảnh Hưng

Chia sẻ về những khó khăn khi trồng và thương mại chuối trong thời gian gần đây, người dân ở xã Cảnh Hưng cho biết, những năm trước trồng chuối cho thu nhập cao gấp 3 lần so với các loại cây lương thực như ngô, đậu tương. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu, sản phẩm chuối Cảnh Hưng chưa được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng như xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường nội địa và xuất khẩu ổn định.

Thấu hiểu được những khó khăn của người dân, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 1 sản phẩm nông nghiệp của huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cụ thể là sản phẩm Chuối Cảnh Hưng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du”. Dự án được thực hiện với mục tiêu thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể sau khi được bảo hộ, bảo đảm quy trình sản xuất, chất lượng; đồng thời, quảng bá và xúc tiến thương mại cho nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng. Về phía địa phương, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Hưng, chủ thể dự kiến của nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng cho biết, Hội Nông dân xã đang vận động người dân dồn đổi diện tích sản xuất để mở rộng quy mô, tạo thuận lợi cho việc hình thành vùng canh tác quy mô lớn, tối ưu hóa quy trình chăm sóc, phân bón, vật tư... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu/doanh nghiệp đưa các giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào bảo quản, chế biến, tiêu thụ chuối và các sản phẩm từ chuối. Qua đó, xây dựng mô hình điểm về vùng sản xuất an toàn, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường khi chuối Cảnh Hưng được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Tháng 11 vừa qua, người dân xã Cảnh Hưng đã được tham gia tập huấn về truy xuất nguồn gốc. Tại buổi tập huấn, chuyên gia sở hữu trí tuệ chia sẻ, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu, cũng như thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu. Đặc biệt, cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để tạo thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm chuối Cảnh Hưng tới người tiêu dùng, từ đó, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu.

Cùng với quá trình bảo hộ nhãn hiệu, các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất, quy trình quản lý, khai thác giá trị nhãn hiệu chuối Cảnh Hưng; triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đi kèm bộ nhận diện thương hiệu. Hy vọng rằng, chuối Cảnh Hưng sẽ sớm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, trên cơ sở đó địa phương sẽ sớm xây dựng được các vùng trồng tập trung, tiến tới việc gắn mã số nhằm chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, phát huy tối đa giá trị của cây chuối trong cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

BL

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)