Thứ năm, 14/12/2023 14:54

Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nhung hươu Hương Sơn

Kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL), sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đã dần khẳng định được vị thế của sản phẩm trên thị trường nhờ vào hàm lượng chất dinh dưỡng của nhung hươu được nuôi dưỡng ở địa phương này. Với những giá trị đó, nhung hươu Hương Sơn đã được lựa chọn là một trong những sản phẩm để hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL.

Tiếp tục phát triển từ thế mạnh sẵn có

Năm 2019, nhung hươu Hương Sơn đã được Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ CDĐL với khu vực trải dài trên địa bàn 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sự khẳng định về tính khác biệt, đặc thù của nhung hươu Hương Sơn với các sản phẩm tương tự của địa phương khác. Đồng thời, là sự ghi nhận chính thức từ phía Nhà nước về uy tín, danh tiếng đối với một trong những loại sản phẩm truyền thống, chủ lực, có giá trị cao của huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Nhờ đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực địa lý này đã giúp nhung hươu Hương Sơn có thành phần dinh dưỡng và axit amin cao hơn hẳn nhung hươu ở các vùng khác. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi, kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù và làm cho sản phẩm ngày càng có vị thế trên thị trường. Đến nay, đàn hươu trên toàn huyện Hương Sơn đã đạt trên 30.000 con, sản lượng nhung trên 9 tấn/năm với giá trị sản xuất trên 100 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, người dân trên địa bàn và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đặc biệt, từ những giá trị về kinh tế và thực tiễn, đề xuất của địa phương, trên cơ sở phê duyệt của Bộ KH&CN, Chương trình phát triển TSTT của Chính phủ đã chọn nhung hươu Hương Sơn là một trong những sản phẩm để hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL. Trên cơ sở đó, cuối năm 2022, Cục SHTT đã giao Sở KH&CN Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ “Quản lý và phát triển CDĐL Hương Sơn cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”.

Nhờ chăm sóc tốt nên Hươu sao Hương Sơn ngày càng cho ra các sản phẩm chất lượng.

Ông Ngô Việt Thắng - Giám đốc Trung tâm thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT) cho biết, để phát triển CDĐL, người dân và chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng sản xuất theo đúng điều kiện, quy trình kỹ thuật. Từ đó sẽ nâng cao giá trị và vị thế của sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thông tin và được chỉ dẫn bởi các dấu hiệu về khu vực địa lý gắn trên sản phẩm; việc xây dựng, duy trì và phát triển CDĐL sẽ giúp người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực từ khu vực địa lý với chất lượng được kiểm soát và tránh các rủi ro từ việc sử dụng hàng hoá giả mạo, kém chất lượng.

Sự hỗ trợ, đồng hành từ phía cơ quan quản lý

Hiện tại, Sở KH&CN Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm thuộc chương trình TSTT; thiết lập mô hình quản lý, sử dụng và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được vận hành trên thực tế; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm được bảo hộ CDĐL qua các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội…

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Nguyễn Huy Trọng (Chủ nhiệm nhiệm vụ “Quản lý và phát triển CDĐL Hương Sơn cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”) cho biết, việc đẩy mạnh quảng bá TSTT sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, cung cấp tới người tiêu dùng những thông tin nhấn mạnh về tính độc đáo, chất lượng của sản phẩm; thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường độ phủ của CDĐL đối với sản phẩm nhung hươu và các mặt hàng được chế biến từ nhung hươu mang CDĐL; đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng từ đó làm tăng giá trị sản phẩm và gián tiếp tiêu thụ các sản phẩm chủ lực/đặc sản khác của địa phương. Góp phần thay đổi tư duy của người dân một cách tích cực với các kênh phân phối, thương mại hóa sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)