Thứ hai, 11/12/2023 14:00

Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế địa phương

Ngày 09/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp” với mục tiêu giúp các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt được thực trạng và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế của các địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, không chỉ ở các đô thị mà còn ở cả các khu vực nông thôn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN; thực hiện việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hội thảo khái quát một bức tranh toàn cảnh về thực trạng vấn đề chất thải rắn sinh hoạt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giới thiệu và chia sẻ các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hội thảo cũng là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của một số nước phát triển để các tỉnh có thể xem xét, cân nhắc lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt là thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn thông qua giải pháp về công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và phát triển bền vững, góp phần hỗ trợ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long sớm hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Mai Văn Thủy

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)