Lợi thế, tiềm năng cần phát triển
Huyện Kim Sơn với lợi thế của vùng bãi bồi ven biển, bên cạnh các loài thủy sản đang được chú trọng phát triển như: ngao, tôm, cua... thì hàu giống đang là một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn của địa phương nhằm nắm bắt xu thế phát triển chung của thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ tự nhiên.
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hàu thương phẩm của thị trường trong nước cũng như thị trường ngoài nước trong khu vực lân cận: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản ngày một tăng cao, đã thúc đẩy nghề nuôi hàu thương phẩm từ các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng phát triển. Chỉ tính riêng vùng nuôi hàu thịt ở Quảng Ninh lên đến 6.000 ha, cho sản lượng hàng trăm nghìn tấn hàu thương phẩm. Chính sức hút của thị trường hàu thịt phát triển đã kéo theo nghề nuôi hàu giống cũng phát triển mạnh mẽ, các vùng nuôi hàu giống không đủ cung ứng cho thị trường tại các vùng nuôi hàu thương phẩm.
Mặt dù nghề nuôi hàu giống tại Kim Sơn mới chỉ phát triển những năm gần đây, nhưng nơi đây lại là vùng nuôi hàu giống có tốc độ tăng trưởng đáng kể, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Sơn, năm 2022 toàn huyện có gần 300 cơ sở nuôi hàu giống tập trung ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và Thị trấn Bình Minh; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên đến hơn 4.370 ha; bình quân sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt khoảng 28.000 tấn/năm; sản lượng hàu giống đạt 12,5 tỷ con/năm, đảm bảo chất lượng đáp ứng một phần nuôi tại địa phương và xuất bán cho các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng. Doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt 350 tỷ đồng, nhiều hộ nuôi hàu giống có thu nhập từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/vụ. Điều này cho thấy, nghề nuôi hàu giống ở huyện Kim Sơn đang phát triển rất tốt và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Sản phẩm hàu giống ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Tiềm năng và cơ hội phát triển là vậy, nhưng nghề sản xuất hàu giống ở huyện Kim Sơn vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định như công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế, các cơ sở dịch vụ giống thủy sản chưa phát triển mạnh; việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống xử lý nước sạch chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàu giống tại huyện Kim Sơn chủ yếu mang tính tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các hộ dân còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, các quy trình sản xuất hiện đại vào sản xuất đã được đầu tư nhưng còn hạn chế, người tham gia sản xuất chưa được đào tạo bài bản…
Nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm bằng công cụ sở hữu trí tuệ
Để phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm hàu giống Kim Sơn, việc tác động công cụ sở hữu trí tuệ để duy trì và phát triển danh tiếng, giá trị kinh tế sản phẩm cũng như tìm kiếm giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế của hàu giống Kim Sơn là vô cùng cần thiết. Vì một sản phẩm nông sản sẽ thu hút người tiêu dùng hơn nhờ được mang thương hiệu, được bảo hộ cùng hệ thống nhận diện hấp dẫn, bắt mắt giúp gia tăng niềm tin nơi người tiêu dùng; đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để hạn chế và xử lý các hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ Kim Sơn cho sản phẩm hàu giống trên thị trường.
Đáp ứng mong mỏi của người sản xuất hàu giống về sự cần thiết xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất hàu giống Kim Sơn, từ năm 2021-2023, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK được UBND tỉnh Ninh Bình giao chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận ‘Hàu giống Kim Sơn’ cho sản phẩm hàu giống của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”. Trải qua 24 tháng thực hiện, dự án đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, ngày 15/02/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 1052/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” cho các sản phẩm hàu giống và UBND huyện Kim Sơn là cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Song song với đó, hệ thống các công cụ, phương tiện quản lý, khai thác, quảng bá và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đã được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình hướng dẫn, hỗ trợ UBND huyện Kim Sơn và Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK hỗ trợ hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn”.
Thành quả đạt được của dự án với trọng tâm là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hàu giống Kim Sơn” được cấp là thành quả của sự nỗ lực. Đó là niềm khích lệ to lớn, động lực quan trọng để hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàu giống trên địa bàn huyện Kim Sơn tiếp tục được duy trì và phát triển. Việc xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng giữ gìn và phát triển thương hiệu còn khó hơn. Chính vì vậy, để thương hiệu “Hàu giống Kim Sơn” phát triển sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết của cộng đồng các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàu giống trên địa bàn huyện Kim Sơn trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định về quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàu giống Kim Sơn” đã được ban hành. Có như vậy, danh tiếng sản phẩm hàu giống Kim Sơn mới tiếp tục lan tỏa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.