Xu thế tất yếu để hội nhập và phát triển
Theo các chuyên gia, tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình, đặc biệt trong nhiều trường hợp, tài sản trí tuệ còn có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình. Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô cùng quan trọng, quyết định, có giá trị đối với doanh nghiệp, tạo động lực để xây dựng lợi thế cạnh tranh, tạo khác biệt và phát triển bền vững.
Quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp một doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh như tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường, hạn chế hành vi sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể, hoặc có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ cả về chiều sâu và chiều rộng. Trong quá trình đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả to lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào khu vực có đặc sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)... thì các biện pháp trợ cấp, bảo hộ mang tính chất khuyến nông, khuyến công của Nhà nước sẽ dần bị hạn chế, sản phẩm, bao gồm cả các đặc sản của Việt Nam sẽ không còn lợi thế về giá và do đó sẽ bị cạnh tranh gay gắt không chỉ tại các thị trường xuất khẩu mà còn ngay cả ở thị trường nội địa. Do đó, việc triển khai các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho người sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Sóc Trăng là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Giải pháp phát triển trong thời gian tới
Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 1.281 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 9 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Bên cạnh đăng ký bảo hộ trong nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài như: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, khu vực Đông Nam Á, châu Âu…
Để phát triển và hội nhập về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo Kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng xác định đến năm 2025, sẽ có 100% cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan bao gồm: Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, 50% cán bộ các cơ quan có liên quan đến công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được đào tạo nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ; 50% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 250 đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cán bộ được tập huấn, đào tạo các nội dung có liên quan đến sở hữu trí tuệ; phấn đấu đến năm 2030, số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ của tỉnh tăng trung bình 10-12%/năm; trong đó, số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, quyền tác giả được công nhận tăng lên; có 1-2 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ trong giai đoạn 2021-2025 được hỗ trợ khai thác, thương mại hóa; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đặc biệt, Sóc Trăng sẽ tăng cường khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho 2 sản phẩm là hành tím và Artemia (trứng, sinh khối) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng sẽ lồng ghép thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn; gắn triển khai các nội dung Chiến lược sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trong các chương trình, kế hoạch của các ngành, đơn vị và địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm ưu tiên cho việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương theo 2 hướng.
Một là, tập trung bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh cho các sản phẩm nông sản như: bưởi Năm roi, bưởi da xanh Kế Thành, cam sành Ba Trinh, vú sữa tím Trinh Phú, cam xoàn Phương An, hành tím Vĩnh Châu.
Hai là, đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh do doanh nghiệp sản xuất, tỉnh cần tập trung tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Những sản phẩm này cũng hướng đến đạt các tiêu chí thuộc Đề án OCOP của tỉnh như: trà mãng cầu, sữa, gạo, bánh pía, lạp xưởng…
UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ; chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể những nội dung có liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về xúc tiến thương mại, về liên kết chuỗi giá trị… Trong đó, Sở KH&CN sẽ tập trung triển khai các nội dung liên quan đến việc phát triển sở hữu trí tuệ; lợi ích và sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương; quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp…
Nguyễn Phạm Thu Hiền