Thứ năm, 23/11/2023 10:27

Phát hiện mới về quá trình hải dương đến quần xã sinh vật phù du vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ

Các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện hiện tượng nước trồi do hoạt động của phông sườn lục địa (shelf-break front) trong mùa gió chuyển tiếp từ Đông Bắc sang Tây Nam, cung cấp luận cứ quan trọng về đặc trưng của sinh vật phù du ở vùng thềm lục địa hẹp và dốc do ảnh hưởng của phông sườn lục địa này.

Tác động của quá trình hải dương đến sinh vật phù du

Sinh vật phù du bao gồm cả sinh vật sản xuất và sinh vật tiêu thụ bậc 1 (và bậc 2) nên chúng đóng vai trò rất quan trọng trong bất cứ nghiên cứu ở thủy vực nào trên thế giới. Ngoài ra, trong các nhóm sinh vật phù du còn có cả nguồn giống các động vật thủy sinh khác (trứng cá, cá con và ấu trùng sinh vật khác). Các nghiên cứu trên vùng thềm lục địa, đặc biệt là dải thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ, có liên quan đến sinh vật phù du hiện còn hạn chế. Nghiên cứu về tác động của các quá trình hải dương học đến sinh vật phù du trong vùng thềm lục địa là một lĩnh vực rộng và phức tạp do sự đa dạng của các quá trình hải dương học và tác động khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau trong vùng thềm lục địa rộng lớn ở các đại dương.

Với mục tiêu làm sáng tỏ tác động khác nhau của các quá trình hải dương đến sinh vật phù du (cấu trúc và đặc trưng quần xã) trong vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ, nhằm tăng cường hiểu biết cho các quá trình hải dương và sinh vật trong vùng thềm lục địa Việt Nam, làm cơ sở khoa học cho đánh giá nguồn lợi thủy sản, GS.TS Đoàn Như Hải và các cộng sự thuộc Viện Hải dương học đã đề xuất và được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao thực hiện đề tài: “Tác động của các quá trình hải dương đến quần xã sinh vật phù du vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ, Việt Nam”.

Trong nghiên cứu này, GS.TS Đoàn Như Hải và các cộng sự đã tập trung nghiên cứu tác động cơ bản của nước trồi tại vùng sườn lục địa và những hiệu ứng khác đến từ các tác động vật lý và thủy văn khác nhau đến biến động của quần xã sinh vật phù du. Các nhà khoa học đã phát hiện ra quá trình hải dương chưa được nghiên cứu ở Việt Nam, hiện tượng nước trồi do hoạt động của phông sườn lục địa (shelf-break front) trong mùa gió chuyển tiếp từ Đông Bắc sang Tây Nam. Các kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học mang tính mới cho Việt Nam và thế giới, đóng góp quan trọng về đặc trưng của sinh vật phù du ở vùng thềm lục địa hẹp và dốc do ảnh hưởng của phông sườn lục địa này.

Minh chứng mới về sự hình thành phông sườn lục địa

Các phân tích thực địa và số liệu dài hạn đã cung cấp minh chứng mới về sự hình thành phông sườn lục địa (shelf-break front) trên mép thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ do các yếu tố vật lý hải dương tạo nên. Phông này hiện rõ ở phía bắc mũi Varella (mũi Điện) và có sự tác động của dòng chảy trên thềm lục địa tương tác với khối nước ngoài khơi (dòng biên biển Đông). Đối với quần xã sinh vật phù du, sự thay đổi về thành phần và độ phong phú thể hiện rất rõ ảnh hưởng của vùng ven bờ và mép thềm lục địa do các chất dinh dưỡng. Cấu trúc quần xã sinh vật phù du, đặc biệt là hàm lượng Chl-a và động vật phù du, chịu ảnh hưởng từ phông sườn lục địa và từ vùng ven bờ, rõ nhất ở tầng Chl-a cực đại và tầng đáy nhưng không thể hiện rõ đối với tầng mặt. Ảnh hưởng từ ven bờ là do hàm lượng dinh dưỡng từ đất liền. Ảnh hưởng ở ngoài mép thềm là do nước trồi tại mép thềm lục địa (phông sườn lục địa).

Các hoạt động thu thập mẫu vật và số liệu ngoài thực địa của nhóm nghiên cứu.

Qua quá trình mô hình hóa chế độ dòng chảy, các nhà khoa học đã chỉ ra hiện diện một cặp xoáy nghịch (gần bờ) và xoáy thuận (xa bờ) tương đối ổn định ở phía bắc mũi Varella. Ở phía nam Varella, có hình thành một xoáy thuận có biên sát bờ và có thể mở rộng hơn ra ngoài khơi. Các kết quả mô hình phù hợp với các kết quả đo dòng chảy thực tế với hướng dòng chảy ở mặt cắt 1 có ngược so với 2 mặt cắt còn lại nằm ở phía ngoài mũi Varella.

Hình ảnh mô hình hóa chế độ dòng chảy vào ngày 17/04/2023 cho thấy cặp xoáy thuận - nghịch phía bắc mũi Varella và xoáy thuận phía nam mũi Varella.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn làm căn cứ khoa học để đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Đây là cơ sở khoa học của nhiều nghiên cứu về hải dương học, sinh học hải dương cũng như biến đổi khí hậu. Hướng nghiên cứu mới của GS.TS Đoàn Như Hải và các cộng sự nhằm liên kết tác động của các quá trình vật lý hải dương đến sinh vật phù du là nhóm sinh vật sản xuất quan trọng trong vùng thềm lục địa hẹp ở Nam Trung Bộ. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã thành công nghiên cứu nhằm so sánh dữ liệu từ các mặt cắt ngang thềm lục địa ở độ phân giải cao.

Ngân Chu - Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)