Thứ ba, 27/05/2025 16:36

Ra mắt Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”

Ngày 24/05/2025, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”. Chương trình nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát S.T.I.D quốc gia, đồng thời gắn kết với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân dựa trên mô hình hợp tác "3 nhà": Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong triển khai mô hình "3 nhà" (nguồn: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Tam giác chiến lược trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Chương trình, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia và Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/05/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện khát vọng hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi sự đổi mới về mô hình phát triển đột phá, cốt lõi là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được xây dựng trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Mô hình hợp tác “3 nhà” được xác định là tam giác chiến lược, cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo. Mô hình vận hành theo nguyên tắc “cùng thiết kế - cùng triển khai - cùng chia sẻ”, các bên cùng nhau tham gia xây dựng mục tiêu nghiên cứu, đồng thời chia sẻ lợi ích tài chính từ kết quả ứng dụng. Khi “tam giác chiến lược” vận hành hiệu quả, quốc gia sẽ có cơ hội “đi tắt, đón đầu”, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên mạnh mẽ.

Trong mô hình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, đảm bảo công bằng và tạo động lực chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới; cung cấp đất đai, hạ tầng và chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập các quỹ đầu tư đổi mới, vườn ươm công nghệ và không gian làm việc chung; điều phối chiến lược phát triển vùng, đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và định hướng khoa học, công nghệ.

Nhà trường bao gồm các trường đại học và viện nghiên cứu là trung tâm sản sinh tri thức, cung cấp nguồn lực; thực hiện các nghiên cứu nền tảng, đồng thời phát triển các giải pháp ứng dụng; kết nối sinh viên và dự án nghiên cứu với doanh nghiệp thông qua các chương trình đổi mới mở, thực tập và khởi nghiệp.

Doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa đổi mới vào thực tiễn và lan tỏa giá trị ra thị trường; tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, đặt hàng các đề tài từ trường đại học; cung cấp môi trường thực nghiệm, dữ liệu và nền tảng triển khai công nghệ mới.

Ba bên vận hành theo nguyên tắc "cùng thiết kế - cùng triển khai - cùng chia sẻ" giá trị. Các bên cùng nhau tham gia xây dựng mục tiêu nghiên cứu, đồng thời chia sẻ lợi ích tài chính từ kết quả ứng dụng. Khi "tam giác chiến lược" vận hành hiệu quả, quốc gia sẽ có cơ hội "đi tắt, đón đầu", thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên mạnh mẽ.

Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đang chủ động kiến tạo nền tảng cho hợp tác "3 nhà" theo hướng hiệu quả và bền vững. Với vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tái cấu trúc chương trình đào tạo tích hợp công nghệ - kinh doanh - quản trị, đào tạo theo đơn đặt hàng; nâng cao kỹ năng số và R&D; xây dựng các chương trình liên ngành phục vụ công nghệ lõi như AI, bán dẫn, y sinh, kinh tế số, kinh tế xanh và vật liệu mới.

Đồng thời, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ động đóng vai trò trở thành trung tâm R&D kết nối doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu theo bài toán thực tiễn, xây dựng trung tâm chuyển giao - thử nghiệm - đổi mới và triển khai mô hình "phòng Lab dùng chung - dữ liệu mở - vườn ươm công nghệ mở". Bên cạnh đó, kết nối doanh nghiệp vào quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ - sản phẩm, khuyến khích hợp tác PPP và thí điểm liên doanh với doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, nông nghiệp thông minh và vật liệu tiên tiến.

Bước đi then chốt để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 57

Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại Chương trình (nguồn: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Phát biểu tại Chương trình, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đề nghị, “3 nhà” hình thành cơ chế phối hợp nhịp nhàng hiệu quả và công bằng. Đối với Nhà nước phải xác định việc hợp tác là con đường gần như duy nhất để vượt qua trở ngại. Để thúc đẩy mô hình hợp tác này, lãnh đạo các địa phương cần dũng cảm hơn, tự tin hơn, bám vào Nghị quyết và vận dụng linh hoạt các quy định để thúc đẩy công việc, không né tránh, với một tâm thế đón nhận và trách nhiệm để thực hiện các quyền mà Trung ương đã phân cấp. Thủ tục hành chính trong việc thực hiện mô hình liên kết “ba nhà” cũng cần được mạnh dạn giảm bớt. Các cơ quan quản lý nhà nước phải sử dụng tốt phần vốn mà theo quy định được phân công. Nhà nước phải thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực, phối hợp nhịp nhàng tránh chồng chéo, tránh lãng phí. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh triển khai mô hình "3 nhà" tại địa phương.

Cùng với đó, các nhà khoa học tập trung vào khả năng ứng dụng thực tiễn trong các nghiên cứu của mình, với mục tiêu cải thiện được sản xuất, cải thiện được các mô hình kinh doanh để tăng năng suất lao động; kết nối nhiều hơn với nhau, để cùng nhau giải quyết được vấn đề. Nhà trường cần đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển. Các nhà doanh nghiệp cũng cần ngồi cùng lại với nhau để đa dạng nguồn lực và tăng hiệu quả hơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc triển khai mô hình hợp tác "3 nhà" là bước đi then chốt để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 57. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo thể chế, điều phối chiến lược và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhà trường, tiêu biểu là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đảm nhiệm vai trò đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Còn doanh nghiệp sẽ là chủ thể ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, định hướng nhu cầu thực tiễn.

Tại Chương trình, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp, nhằm thiết lập khung hợp tác toàn diện giữa Đại học với doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn kết với nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp; đồng thời hai bên hợp tác xây dựng và vận hành các mô hình giáo dục - sản xuất tích hợp.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)