Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết: Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân... Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm và ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sinh học từ Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư cách đây hơn 15 năm đến Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành đầu năm 2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình hình mới, trong đó tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á và xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước”. GS.TS Chu Hoàng Hà đã tổng kết một số đóng góp có ý nghĩa của công nghệ sinh học đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước trong nhiều lĩnh vực.
GS.TS Chu Hoàng Hà phát biểu khai mạc tại Hội nghị.
Về nông nghiệp, chủ động sản xuất trên 70% giống cây trồng, vật nuôi, làm chủ các quy trình tạo các giống cây, đặc biệt cây lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, xanh, bền vững. GS.TS Chu Hoàng Hà đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ sinh học trong việc hỗ trợ phát triển các ứng dụng liên quan đến truy xuất nguồn gốc, nhận dạng các giống bản địa…
Trong lĩnh vực y - dược, nhờ thành tựu của công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ gen, các nhà khoa học Việt Nam đã có khả năng chuẩn đoán được SARS, cúm A/H5N1, H7N9… như tại Viện Công nghệ Sinh học cũng đã làm chủ được công nghệ giải trình tự gen virus nCoV, góp phần vào công việc phòng chống dịch. Lần đầu tiên Viện Công nghệ sinh học làm chủ công nghệ di truyền ngược, có thể chủ động nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm gia cầm. Hiện nay, Việt Nam cũng đã chủ động nghiên cứu và sản xuất một số thuốc, kháng thể trong điều trị ung thư, viêm, tự miễn... Bước đầu ứng dụng tế bào gốc tự thân, y học tái tạo, y học cá thể… cho các thử nghiệm lâm sàng định hướng điều trị nhiều loại bệnh nan y.
Trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, các ứng dụng như sử dụng chế phẩm vi sinh vật đã có trong nhiều ngành chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất giấy, xử lý chất thải sinh học, phân hủy các chất độc trong đất.
Đối với an ninh - quốc phòng, công nghệ gen cũng đã góp phần vào phân tích hệ gen người, tạo ra các thẻ nhận dạng cá thể, giải trình tự gen ty thể của một số tộc người Việt Nam, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin…
GS.TS Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, Hội nghị là diễn đàn, nơi quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày những vấn đề liên quan đến công nghệ sinh học phục vụ các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu có cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học cũng như nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực này trong giai đoạn vừa qua.
Ban tổ chức cho biết, Hội nghị năm nay có quy mô tổ chức lớn, chất lượng các bài báo khoa học nộp về có giá trị khoa học cao hơn so với năm trước, số lượng đại biểu nhiệt tình tham gia hưởng ứng đông đảo (với gần 500 tác giả đăng ký và gửi hơn 250 báo cáo toàn văn đăng tại Hội nghị). Đặc biệt, các bài báo đã được Hội đồng biên tập đánh giá thông qua các phản biện độc lập theo đúng quy trình biên tập của các tạp chí quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng khoa học. Hội đồng biên tập đã lựa chọn được 217 bài đáp ứng được yêu cầu về nội dung để đăng trong Tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị. Ban tổ chức cũng đã lựa chọn hơn 50 báo cáo đại diện để báo cáo tại các tiểu ban của Hội nghị.
Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2023 được chia thành 6 tiểu ban bao gồm: Công nghệ gen, Công nghệ sinh học y - dược, Công nghệ enzyme và hóa sinh, Công nghệ sinh học vi sinh và môi trường, Công nghệ sinh học thực vật và Công nghệ sinh học động vật.
GS.TS. Chu Hoàng Hà trao giấy chứng nhận cho các nhà khoa học trình bày báo cáo tại phiên họp toàn thể.
Tại Hội nghị, trong phiên họp toàn thể có sự trình bày báo cáo của 3 nhà khoa học về các các xu hướng nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học như CRISPR/Cas9 trong cải tạo giống cây trồng: Tiềm năng ứng dụng, tình hình quản lý, một số kết quả cập nhật tại VAST; Giải trình tự gen người Việt quy mô quần thể: Tầm nhìn và giải pháp và Nghiên cứu và phát triển công nghệ protein-enzyme: tầm quan trọng, các thành tựu và những khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, các phiên thảo luận tại các ban chuyên môn cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều nơi trên cả nước.
Thông qua Hội nghị, Ban tổ chức hy vọng các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ cùng nhau xây dựng được nhiều dự án, chương trình nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn hơn nữa, góp phần phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình hình mới.
Xuân Bình