Thứ sáu, 18/08/2023 11:15

Hóa thạch mới tại Lào: Bằng chứng mới về lịch sử di cư của người hiện đại

Những phát hiện mới về mảnh xương sọ và xương ống chân đã mở ra một góc nhìn mới về lịch sử di cư của người hiện đại đầu tiên qua Đông Nam Á. 2 mảnh xương mới được khám phá tại một hang động ở phía bắc Lào đã gợi ý rằng, cuộc di cư này có thể đã xảy ra sớm hơn nhiều so với giả thuyết trước đây. Đây là bước đột phá quan trọng trong nhận thức mới về cuộc hành trình xa xứ của con người cổ đại trong khu vực.

Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy 2 mảnh xương bên trong một hang động ở phía bắc Lào, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu lịch sử di cư của con người hiện đại. 2 mảnh xương này đã cung cấp dấu vết cho thấy, con người đã hiện diện và di cư qua khu vực này cách đây khoảng 86.000 năm, sớm hơn so với dự đoán của chúng ta.

Hang Tam Pà Ling (Lào) - nơi các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch mới (ảnh: Fabrice Demeter).

Hơn 10 năm trước, cuộc khai quật tại hang Tam Pà Ling đã tìm thấy 7 mảnh xương nằm chồng chất giữa các lớp đất sét. Sau khi đào sâu đến 7 m, quá trình khai quật cuối cùng đã hoàn thành khi chạm đến nền đá vôi. Các nhà khoa học đến từ Đại học Illinois Urbana - Champaign (Hoa Kỳ), đã thực hiện việc tái tạo toàn bộ sự phát triển của hang động. Những trầm tích và mảnh xương mà họ khám phá trong hang đã làm sáng tỏ rằng, con người hiện đại đã định cư trong khu vực núi này ít nhất là từ 68.000 năm trước và có thể đã di cư qua đây thậm chí còn sớm hơn. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong việc điều chỉnh bản đồ di cư của loài người hiện đại đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, phát hiện mới đây có thể cho thấy các phần còn lại đã bị cuốn vào sâu trong hang do tác động của lũ lụt. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp cộng hưởng thuận từ cùng với chuỗi uranium để xác định tuổi của hàm răng của loài động vật ăn cỏ được tìm thấy cùng với hóa thạch người. Họ cũng đo lường tuổi của lớp trầm tích trong hang bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại phát quang. Các kết quả nghiên cứu đã xác định tuổi của mảnh xương sọ và xương ống chân có tuổi lần lượt là khoảng 70.000 và 77.000 năm. Đáng chú ý, mảnh xương ống chân có thể đã tồn tại từ 86.000 năm trước. Điều này cho thấy chúng tồn tại vào thời kỳ xa xưa hơn so với những hóa thạch đầu tiên được tìm thấy trước đây trong hang như mảnh xương sọ được tìm thấy cách đây 1 thập kỷ với ước tính niên đại khoảng 46.000 năm tuổi.

Lưu trữ hóa thạch tại Đông Nam Á rất hạn chế, một phần là do khí hậu nhiệt đới đã làm xương phân hủy. Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định chi tiết về thời gian, nguồn gốc và tuyến đường di cư của những người đầu tiên đến khu vực này vẫn đang gây tranh cãi. Có khả năng Lào nằm trong tuyến đường di cư tới Úc - nơi có các di tích khảo cổ có niên đại lâu nhất là khoảng 65.000 năm. Bên cạnh việc cung cấp thông tin cho một khu vực ít được khám phá, hang Tam Pà Ling còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thời điểm diễn ra cuộc di cư qua khu vực này.

Có một số giả thuyết về quá trình di cư của loài người dựa trên phân tích DNA. Theo đó, Homo sapiens đã tản cư trong một khoảng thời gian ngắn sau thời kỳ địa chất Giai đoạn đồng vị biển 5, kéo dài từ 130.000 đến 80.000 năm trước. Tuy nhiên, các hóa thạch tại Tam Pà Ling không phù hợp với những giả thuyết này. Thay vào đó, dựa trên hóa thạch, có những đề xuất cho rằng, cuộc di cư đã xảy ra trước khi Giai đoạn đồng vị biển 5 kết thúc.

Hình dạng của những mảnh xương được tìm thấy tại đây đã cho thấy sự phức tạp trong nghiên cứu về tiến trình di cư của con người. Mảnh xương sọ ít tuổi nhất (46.000 năm tuổi) mang đặc điểm của cả người hiện đại và người cổ đại. Ngược lại, những hóa thạch cổ hơn lại mang những đặc điểm hiện đại hơn. Điều này đưa ra câu hỏi về nguồn gốc của các hóa thạch này và liệu chúng có thể đại diện cho các nhóm người di cư đầu tiên qua khu vực này. Theo các nhà nghiên cứu, điều này thật khác thường và cho thấy các hóa thạch cổ hơn có thể không tiến hóa từ một quần thể bản địa, mà đại diện cho các nhóm người hiện đại đầu tiên di cư qua khu vực này.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai quật hang động để tìm thêm hóa thạch và cung cấp thêm thông tin về cuộc sống trong quá khứ. Họ cũng đang cố gắng khôi phục DNA môi trường từ đất sét, một nguồn thông tin quý giá về thực vật và động vật trong khu vực hàng chục nghìn năm trước. Các phát hiện tiềm ẩn ở xung quanh hang động cũng có khả năng cung cấp cái nhìn sâu hơn về cuộc sống của những cư dân đầu tiên tại vùng đất này.

Lê Khánh Ngọc (theo Nature)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)