Thứ tư, 02/08/2023 16:58

Làm khoa học xuất sắc ở vùng hẻo lánh

“Làm khoa học xuất sắc ở vùng hẻo lánh” là chủ đề của bài giảng đại chúng do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN tổ chức tại Hà Nội mới đây. Khách mời của chương trình là GS Alex Lubotzky - Viện Weizmann và là Giáo sư danh dự mang tên Maurice và Clara Weil tại Đại học Hebrew (Israel).

Có một quan niệm khá phổ biến trong giới khoa học rằng những thành tựu lớn nhất và đổi mới nhất trong khoa học và công nghệ đều đến từ các trung tâm lớn. Điều này chắc chắn đúng về mặt thống kê nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Israel là một trong số đó. Đôi khi sự biệt lập cũng là một lợi thế chứ không chỉ là một bất lợi. Vậy, bí quyết biến Israel thành “quốc gia công nghệ cao” là gì?

GS Alex Lubotzky đã chỉ ra những điểm bất lợi của đất nước Israel trong việc phát triển khoa học. Đó là: Israel là quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt lịch sử kể từ khi thành lập và từng trải qua các cuộc xung đột, bất ổn chính trị. Do đất nước trải qua chiến tranh ác liệt, những tài năng khoa học trẻ - những người được coi là rường cột tương lai của nền khoa học và công nghệ nước nhà đã phải lên đường nhập ngũ phục vụ Tổ quốc và nhiều người không trở về. Thêm nữa, dân số Israel rất ít, chỉ khoảng 9 triệu người. Israel còn là một quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, Israel đã trở thành quốc gia được mệnh danh là “Quốc gia khởi nghiệp” với nhiều phát minh đột phá.

Theo ý kiến cá nhân của GS Alex Lubotzky, “bí quyết” khiến Israel vươn lên trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ của thế giới do một số yếu tố sau: 1) Người dân Israel nói chung rất coi trọng giáo dục; 2) Israel là đất nước của những người nhập cư (người nhập cư luôn có khát vọng đổi mới, tư tưởng vươn lên hiện thực; khi ở một vùng đất khác để xây dựng cuộc sống, họ rất mạnh mẽ đối mặt với khó khăn và luôn tìm cách vượt qua chúng; 3) Người Israel có tinh thần Chutzpah - tinh thần không chấp nhận thực tại, luôn tìm tòi, đặt câu hỏi để tìm ra những phương pháp tốt hơn, sáng tạo hơn.

Bài giảng đại chúng là chương trình sinh hoạt khoa học được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức thường xuyên dành cho tất cả những người quan tâm tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, các thành tựu khoa học của thế giới và Việt Nam. Các diễn giả của bài giảng đều là những nhà khoa học danh tiếng ở trong và ngoài nước.

HH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)