Thứ tư, 19/07/2023 10:34

Nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long

Vừa qua, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp nhà nước đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”, mã số ĐTĐL.CN-28/19 do TS Nguyễn Minh Quý làm chủ nhiệm, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) là cơ quan chủ trì.

Thực hiện đề tài nêu trên, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu khảo sát hiện trạng công trình biển tại khu vực thử nghiệm; thiết kế và cải hoán hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ thử nghiệm. Hệ thống thiết bị được thực hiện chạy thử, nghiệm thu đáp ứng các tiêu chí an toàn, chất lượng và tương thích với hệ thống sẵn có với các thông số: áp suất làm việc tới 500 atm, công suất làm việc lên tới 5.024 thùng/ngày, không tương tác với hóa phẩm, nước bơm ép và chịu được ăn mòn.

Bên cạnh đó, VPI đã phối hợp với Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) thực hiện bơm ép toàn bộ 100 tấn hóa phẩm vào giếng 1609/BK16 an toàn và hiệu quả, sau đó giếng được đưa trở lại làm việc và duy trì chế độ làm việc ban đầu; xây dựng kế hoạch, theo dõi chỉ số làm việc giếng, lấy mẫu chất lưu tại khu vực thử nghiệm định kỳ và thực hiện phân tích nhằm đánh giá tính chất và hiệu quả tương tác của hóa phẩm giúp tăng cường thu hồi dầu…

Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao các kết quả đã đạt được của Đề tài, đặc biệt là kết quả thử nghiệm công nghiệp hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP tại giếng 1609/BK16 mỏ Bạch Hổ. Kết quả tính toán sơ bộ sau 6 tháng kể từ khi sử dụng hoá phẩm VPI SP cho thấy giải pháp này mang lại hiệu quả tích cực.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của VPI đang xây dựng phương án công nghệ, đánh giá hiệu quả kinh tế khi áp dụng hệ hóa phẩm VPI SP cho đối tượng là Miocene trên phạm vi toàn mỏ Bạch Hổ, đồng thời đề xuất cơ chế ưu đãi khuyến khích áp dụng các giải pháp IOR/EOR, xem xét áp dụng công nghệ bơm ép hóa phẩm VPI SP với quy mô lớn (toàn mỏ) hoặc các khu vực tiềm năng nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu.

Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước do PGS.TS Trần Đình Kiên làm Chủ tịch đã nhất trí nghiệm thu đề tài và đề nghị nhóm tác giả tiếp thu và chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.

Đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long” là đề tài thứ 3 trong cụm nhiệm vụ cấp quốc gia mà Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho VPI chủ trì thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ đề tài này đã giúp VPI giành giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2022 với cụm công trình “Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.

Việt Hà

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)