Thứ tư, 12/07/2023 16:22

Cần xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Ngày 11/07/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình về những nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp của ngành KH&CN trong thời gian qua. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&CN thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm KH&CN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (ảnh: Trịnh Nguyên).

Báo cáo của Bộ KH&CN tại buổi làm việc cho thấy, thời gian qua, KH,CN&ĐMST đã từng bước khẳng định vai trò, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nghiên cứu cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi); tham gia sâu và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng…

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015), vượt mục tiêu 5,5% đã đề ra. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 38,42% năm 2016 đến 47,45% năm 2022. Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam (GII) liên tục tăng vượt bậc, là quốc gia dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình; năm 2022 đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam được hình thành và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KH&CN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.

Đề cập đến những khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST, báo cáo cũng chỉ rõ, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST hiện hành còn thiếu đồng bộ với các chính sách trong lĩnh vực khác (ngân sách nhà nước; đầu tư; đấu thầu; quản lý, sử dụng tài sản công, thuế...), chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết, cũng như thành tựu đạt được của ngành KH&CN trong thời gian qua dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm KH&CN trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và cách tiếp cận hiệu quả của quốc tế. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm KH&CN.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)