Thứ ba, 11/07/2023 14:09

Chuyển đổi số trong Trường Đại học Giao thông Vận tải: Kết quả, khó khăn và giải pháp tháo gỡ

Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số sẽ tạo nên bước đột phá cho phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục thông minh, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ…, chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề nêu trên. Đây cũng là nội dung của hội thảo: "Chuyển đổi số trong Trường Đại học Giao thông vận tải - Thực trạng và giải pháp" được tổ chức từ ngày 05-07/07/2023. Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Trường Đại học Giao thông Vận tải, đồng thời chỉ ra những khó khăn và các giải pháp tháo gỡ.

Xu thế tất yếu để hội nhập và phát triển

Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, việc thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác giáo dục ở các trường đại học là một điều cần thiết. Chuyển đổi số giúp công tác giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo và bắt kịp xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay. Nhận thức vai trò quan trọng của chuyển đổi số, các trường đại học ở Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo của Nhà trường.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Chuyển đổi số trong giáo dục được thể hiện ở hai nội dung cơ bản: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục (số hóa thông tin quản lý, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để quản lý, điều hành, dự báo, định hướng trong lĩnh vực giáo dục một cách nhanh chóng, chính xác); chuyển đổi số trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học bằng cách số hóa học liệu (giáo trình, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, học liệu số đa phương tiện, phần mềm mô phỏng, bài báo và các học liệu khác), thư viện số, phòng thí nghiệm…

Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc đổi mới quá trình đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, giảm quá trình truyền thụ kiến thức, hướng đến việc phát triển năng lực người học, rèn luyện kỹ năng thực hành, hỗ trợ hiệu quả khả năng tự học và duy trì cơ hội học tập suốt đời cho sinh viên. Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi số giáo dục đại học. Để sử dụng hiệu quả các sản phẩm kỹ thuật công nghệ này, đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên phải có kiến thức, kỹ năng và trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật để có thể kết nối trực tuyến hiệu quả trong quá trình dạy học. Như vậy, chuyển đổi số giáo dục đại học là sự thay đổi phương pháp và hình thức dạy học, chuyển từ giảng dạy trực tiếp trên lớp sang giảng dạy trực tuyến trên mạng, ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người học; tạo điều kiện cho người dạy và người học có thể  phát huy tối đa năng lực của bản thân.

Chuyển đổi số tại Trường Đại học Giao thông Vận tải

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giải pháp quan trọng, yếu tố cần thiết để tăng cường chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Xét trên khía cạnh quản trị đại học, 3 đỉnh của tam giác quản lý cần được thực hiện tốt bao gồm: triết lý quản trị, trong đó trọng tâm tự chủ trong quản trị đại học; huy động nguồn lực tài chính cho công tác quản trị và hiệu quả tài chính của công tác quản trị; kỹ thuật của công tác quản trị, trong đó 2 nội dung rất quan trọng là vấn đề xây dựng hành lang pháp lý thông qua hệ thống văn bản quản trị và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản trị, mà cốt lõi là vấn đề chuyển đổi số.

Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, từ năm 2018, Nhà trường đã tập trung thực hiện nhiều dự án lớn phục vụ nâng cấp hạ tầng và tăng cường năng lực hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý và đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhằm đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thời gian qua Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư dự án xây dựng hệ thống phòng học thông minh với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng.

Song song với việc đầu tư cho hạ tầng, Nhà trường chú trọng phát triển các phần mềm quản lý. Từ năm 2020, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã xác định quản trị theo mô hình nhà trường điện tử. Từ đó, Trường đã đầu tư Dự án khung kiến trúc nhà trường điện tử với 04 phân hệ quản trị đầu tiên được xây dựng thuộc các lĩnh vực: quản lý hành chính; tổ chức quản trị; quản lý khoa học công nghệ và quản lý cơ sở vật chất.

Trong lĩnh vực tổ chức quản trị, Nhà trường đã và đang triển khai các phần mềm: quản lý nhân sự; hệ thống Usmart được phát triển trên nền tảng của hệ thống văn phòng điện tử; triển khai áp dụng chữ ký số, chứng thư số; triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, một số dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4; các phần mềm đánh giá, xếp loại viên chức và đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức. Đặc biệt, đối với lĩnh vực đào tạo và quản lý sinh viên, Nhà trường đã triển khai các phần mềm: nhập học trực tuyến, quản lý đào tạo, lập kế hoạch - thời khóa biểu, đăng ký học, đánh giá rèn luyện sinh viên, đánh giá cố vấn học tập, lấy ý kiến phản hồi của người học, đánh giá giảng viên… Đối với hoạt động khoa học và công nghệ, Nhà trường đã triển khai các phần mềm: quản lý đề tài, đăng ký đề tài, quản lý giờ khoa học, quản lý sáng kiến, quản lý lý lịch khoa học, quản lý sở hữu trí tuệ…

Tuy nhiên, do đặc thù của một trường đại học công lập, các dự án được đầu tư phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn ngân sách nhà nước và bị phân kỳ theo nhiều năm nên hệ thống chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt là hệ thống phần mềm quản lý. Do đó, còn rất nhiều hạn chế trong việc tổng hợp thông tin, tính liên thông quản lý, cũng như việc chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Trường Đại học Giao thông vận tải xác định mục tiêu chuyển đổi số nhằm phát triển hệ thống quản trị số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản trị Nhà trường; cung ứng các dịch vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên nền tảng giáo dục số; phát triển xã hội số trong sinh viên, thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên, giữa giảng viên - sinh viên với Nhà trường và giữa Nhà trường với xã hội.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải đảm bảo các nguyên tắc thống nhất và chuẩn hóa được kho dữ liệu của toàn Trường; kết nối được các hệ thống vận hành với kho dữ liệu được chuẩn hóa; xây dựng được các mô hình, quy chuẩn cho các hệ thống/module sẽ được phát triển trong tương lai; phát triển cơ chế phân quyền - truy xuất tài nguyên đồng nhất trên toàn hệ thống, đảm bảo không ảnh hưởng đến các hệ thống đang vận hành đã có và đảm bảo việc cập nhật dữ liệu được quản lý chặt chẽ; xây dựng theo hướng nền tảng (Platform), giúp cho việc tích hợp, mở rộng dễ dàng và hiệu quả với các phân hệ đã có sẵn cũng như phân hệ mới trong tương lai.

Phong Vũ - Anh Nguyên

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)