TS Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI cho biết, với mục tiêu từng bước đưa ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn..., bên cạnh việc đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại…, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động khai thác khoảng sản đến môi trường luôn được VIMLUKI đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Viện trưởng Đào Duy Anh thông tin thêm, là viện nghiên cứu chuyên ngành về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trực thuộc Bộ Công Thương, trải qua hơn 55 năm hoạt động, VIMLUKI luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho công tác quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp mỏ. Bên cạnh đó, VIMLUKI luôn bám sát các chủ trương, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Đảng, Chính Phủ và ngành công thương để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp như: nghiên cứu giải pháp công nghệ mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ có sẵn trong khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu kim loại có tính năng đặc biệt, nghiên cứu tái chế, tái thu hồi vật liệu có nguồn gốc khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường…
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong khai thác bền vững khoáng sản giữa VIMLUKI và KOMIR.
Với việc ký kết biên bản hợp tác với KOMIR, hai bên sẽ thống nhất các nội dung gồm: khai thác mỏ bền vững, khoáng sản quan trọng, chế biến khoáng sản, công nghệ tái chế và cải tạo/phục hồi môi trường mỏ tại Việt Nam; xem xét thành lập Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật chế biến khoáng sản quan trọng tại VIMLUKI; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xây dựng chính sách, thăm dò, phát triển, vận hành các dự án khai khoáng, đổi mới công nghệ và thiết bị, các quy định về thân thiện với môi trường trong ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim; phát triển và điều phối các dự án nghiên cứu triển khai trong khai thác khoáng sản quan trọng, chế biến khoáng sản, tái chế và các tiêu chuẩn môi trường; đẩy mạnh trao đổi các nội dung trong nghiên cứu công nghệ/kỹ thuật khai thác và chế biến khoáng sản, phương án cải tạo phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác, xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, quy trình quản lý môi trường mỏ theo vòng đời dự án; các mô hình quản lý môi trường tốt nhất (BAP); xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường mỏ, xây dựng các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật môi trường mỏ/tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế khu vực lưu chứa chất thải đặc thù ngành mỏ; đẩy mạnh công tác trao đổi đoàn, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật và quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực khoáng sản…
Phong Vũ