Thứ tư, 17/05/2023 10:31

Nhóm sinh viên giải “bài toán xếp lịch thi” chỉ còn 20 phút

Đợt thi học kỳ I năm học 2022-2023, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội “nhẹ hẳn” trong khâu xếp lịch thi cho sinh viên toàn Trường. Lý do là bởi việc xếp lịch thi không còn thủ công (thường mất đến 2 tháng) mà đã được sử dụng phần mềm xếp lịch do nhóm sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học của Trường nghiên cứu, vận hành. Phần mềm này rút ngắn thời gian xếp lịch thi xuống chỉ còn 20 phút.

Cuối tháng 04/2023, đề tài “Bài toán xếp lịch thi Trường ĐHKHTN” của nhóm sinh viên Trần Thanh Tùng, Nguyễn Văn Quân, Đặng Quý Anh, lớp K64A2 Toán Tin (cán bộ hướng dẫn: TS Hoàng Nam Dũng) đã được trình bày tại Hội nghị Khoa học sinh viên Trường ĐHKHTN và được Ban tổ chức đánh giá cao, giành giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023” của Trường ĐHKHTN.

Nhóm sinh viên trình bày báo cáo bài toán xếp lịch thi tại Hội nghị Khoa học sinh viên Trường ĐHKHTN năm 2023.

Xếp lịch thi là một bài toán tối ưu tổ hợp khó và có thể ứng dụng vào việc xếp lịch thi cho các trường phổ thông và đại học. Trong thực tế, khi xếp lịch thi cho trường đại học, nếu số lượng môn thi và số lượng sinh viên lớn sẽ rất khó cho người xếp lịch khi phải quyết định mỗi môn thi được tổ chức vào thời điểm nào, dễ xảy ra tình trạng một sinh viên có 2 môn thi được tổ chức vào cùng một thời điểm hoặc được tổ chức quá gần nhau, gây khó khăn cho việc ôn tập. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng đào tạo, đồng thời cũng là cán bộ giảng dạy bộ môn Tin học, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN là người hiểu rõ nhất những ưu điểm của việc xếp lịch thi nhờ phần mềm này chia sẻ: “Trước đây, Phòng đào tạo phải cử một chuyên viên trong 2 tháng chỉ chuyên tâm vào công việc xếp lịch thi. Với số lượng hàng nghìn sinh viên ở các khoa, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, số lượng môn học khác nhau, thời gian thi học kỳ có hạn trong khoảng thời gian nhất định, làm sao xếp lịch thi để mỗi sinh viên không bị trùng cùng một thời gian thi 2 môn, không phải thi 2 môn trong một ngày, các môn thi phải giãn cách để sinh viên có thêm thời gian nghỉ ngơi, ôn tập tốt hơn. Đây là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm của chuyên viên xếp lịch và nói chung là mất nhiều thời gian”.

Thực tế, việc xếp lịch thi theo đào tạo niên chế (đơn vị học trình) rất đơn giản, một lớp hoặc vài lớp có thể thi cùng nhau một môn ở cùng một thời gian. Nhưng với đào tạo theo tín chỉ như hiện nay, sinh viên trong một lớp có thể học các môn khác nhau, chưa kể sinh viên học vượt, sinh viên học lại, học cải thiện điểm… khiến cho công tác xếp lịch thi sao cho khoa học là một bài toán đau đầu. Và dù người xếp lịch có kinh nghiệm đến đâu, tỉ mỉ đến cỡ nào, trước những dữ liệu đặc biệt và thay đổi theo từng học kỳ, lịch thi của sinh viên vẫn đâu đó có những bất cập. Nhận thấy những bất cập trong lịch thi của sinh viên, nhóm sinh viên Trần Thanh Tùng, Nguyễn Văn Quân, Đặng Quý Anh - lớp K64A2 Toán Tin đã chia sẻ với thầy chủ nhiệm, TS Hoàng Nam Dũng. Từ câu nói của thầy: “Thế thì làm bài toán giải quyết vấn đề này đi!”, nhóm sinh viên đã bắt tay vào thực hiện.

Nhóm sinh viên Trần Thanh Tùng, Nguyễn Văn Quân, Đặng Quý Anh - lớp K64A2 Toán Tin.

Đại diện nhóm nghiên cứu, em Trần Thanh Tùng cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài, khó khăn lớn nhất của chúng em là tài liệu tham khảo vì không có thứ mình cần tìm. Bài toán nhóm em làm có những mục tiêu và ràng buộc đặc thù mà các công trình nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến, vì thế chúng em phải tìm cách giải quyết riêng, tìm cách phát triển những kỹ thuật đặc thù. Tự tìm tòi, mày mò, những lúc khó khăn quá thì nhóm tìm sự trợ giúp của thầy hướng dẫn. Dữ liệu từ Phòng đào tạo thì nhờ thầy xin hộ. Từ mô hình đầu tiên (tháng 03/2022) đến cuối năm 2022, mặc dù dữ liệu thật - theo nhóm là có quá nhiều đặc thù, nhiều cái “nhiễu”, tuy nhiên nhóm đã tạo ra phần mềm xếp lịch thi cho những sinh viên trong Trường một cách ổn thoả. Với phần mềm này, thời gian xếp lịch thi được rút gọn chỉ còn khoảng 20 phút. “Nhìn thấy thành quả của nhóm mình được áp dụng tốt trong thực tế, cả nhóm đều cảm thấy rất vui, thấy công sức của mình không uổng phí. Có phần mềm, thời gian làm lịch thi được rút ngắn. Vì thời gian được rút ngắn, nên mình có thể đưa ra nhiều phương án khác nhau, thêm/bớt các điều kiện, ràng buộc các yêu cầu. Mỗi phương án có lợi thế riêng và từ đó mình sẽ chọn được phương án phù hợp nhất để triển khai” - Tùng chia sẻ thêm.

Hiện sản phẩm mới có phần lõi nên các tác giả của phần mềm xếp lịch thi phải điều hành. Các tác giả dự định sẽ tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh hơn để những người không có chuyên môn cũng có thể sử dụng phần mềm này một cách đơn giản, dễ dàng. Giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học” là sự ghi nhận của Trường ĐHKHTN đối với đề tài của nhóm, là sự đánh giá cao của Ban tổ chức đối với đề tài “Bài toán xếp lịch thi Trường ĐHKHTN”. Mong muốn của nhóm là phần mềm xếp lịch thi được chính thức triển khai ở Trường ĐHKHTN và có thể mở rộng ra nhiều trường khác.

PGS.TS Phó Đức Tài - Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học (thứ hai từ trái qua) và TS Hoàng Nam Dũng - cán bộ Khoa Toán - Cơ - Tin học (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các sinh viên/nhóm sinh viên của Khoa đoạt giải Nhất “Nghiên cứu khoa học sinh viên” Trường ĐHKHTN năm 2023.

Hoài Hương

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)