Thứ sáu, 21/04/2023 14:48

Viện IMI: Hướng tới doanh nghiệp khoa học và công nghệ đa sở hữu

TS Đỗ Văn Vũ

Chủ tịch HĐQT - Công ty Cổ phần  Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp

Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) tiền thân là Phân viện Nghiên cứu thiết kế máy công cụ, được thành lập ngày 23/5/1973 theo Quyết định số 235/CL-CB của Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công Thương). Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ một viện nghiên cứu cơ khí có quy mô nhỏ, Viện IMI đã chuyển đổi thành công trở thành một tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) với tiềm lực mạnh, tự chủ hoàn toàn về tài chính và từng bước phát triển trở thành doanh nghiệp KH&CN đa sở hữu, theo hình thức công ty cổ phần.

Chặng đường lịch sử

Giai đoạn 1973-1992, Viện IMI là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương. Từ năm 1993, Viện IMI được chuyển về trực thuộc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) và là đơn vị sự nghiệp có thu (tự chủ họat động - không được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách Nhà nước). Trong giai đoạn này, Viện IMI gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới và tìm cách tạo chỗ đứng trong nền kinh tế thị trường. Để tạo thế ổn định, đứng vững và phát triển phù hợp với từng giai đoạn chuyển đổi, Viện IMI đã từng bước thực hiện sắp xếp, kiện toàn và đổi mới cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý chuyên môn, nghiệp vụ để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động. Mục tiêu của Viện là phát triển KH&CN phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội với mô hình M-M-D-D-T-C-T: "Nhu cầu thị trường (market demand) → Hình thành nhiệm vụ KH&CN (mission research) → Hợp tác quốc tế và giải mã công nghệ (technology decoding) → Thiết kế sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường (design new product) → Sản xuất thử (trial production) → Hoàn thiện công nghệ (complete to technology) → Chuyển giao ứng dụng vào thị trường (transfer to market).

Gia công trên máy CNC.

Năm 2001, để hoàn hiện mô hình này Viện đã đề xuất và được Chính phủ cho phép chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 8/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 56/2002/QĐ-BCT ngày 18/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và áp dụng cơ chế hoạt động đặc thù theo Quyết định số 14/2004/QĐ-TTg ngày 29/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thực hiện cơ chế của Viện chuyển thành doanh nghiệp KH&CN thí điểm tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Năm 2012, Viện IMI được chuyển đổi cổ phần hóa theo Quyết định số 6275/QĐ-BCT ngày 24/10/2012; Quyết định số 1125/QĐ-BCT ngày 27/02/2013 và Quyết định số 3934/QĐ-BCT ngày 14/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương..., Viện IMI chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần kể từ ngày 01/01/2014.

Không ngừng phát triển và khẳng định vị thế

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, với quyết tâm phát huy nội lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN và đào tạo nguồn nhân lực; linh hoạt chuyển hướng hoạt động theo các lĩnh vực có thế mạnh..., Viện đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tích đáng kể.

Viện đầu tiên nghiên cứu về cơ - điện tử, tạo dựng mô hình mới trong nghiên cứu gắn với sản xuất công nghệ cao

Mặc dù chỉ nhận được sự đầu tư rất hạn chế thông qua các nhiệm vụ KH&CN nhưng Viện IMI đã tự huy động vốn; sáng tạo kết hợp cơ khí với tự động hoá, điện tử, công nghệ thông tin, để tạo ra các sản phẩm cơ khí mới có tính linh hoạt cao, chiếm lĩnh thị phần trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Hiện tại, Viện đã làm chủ được nhiều công nghệ mới, nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công trên 200 sản phẩm cơ - điện tử, có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực: máy công cụ CNC, chế biến nông sản, đo lường công nghiệp, xây dựng, kỹ thuật điện, thiết bị y học kỹ thuật cao và thiết bị bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Viện đã xây dựng được các phòng thí nghiệm chuyên ngành theo từng lĩnh vực và làm chủ được một số công nghệ nguồn quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật số và chẩn đoán bằng hình ảnh.

Tiên phong trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp

Xuất phát từ nhu cầu chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, từ năm 1997 Viện IMI đã tham gia góp vốn bằng li-xăng, bí quyết công nghệ, giá trị thương hiệu, tài sản và nguồn tài chính của các cán bộ khoa học để thành lập mới hoặc tiếp nhận doanh nghiệp làm đơn vị thành viên của Viện. Phương thức góp vốn linh hoạt này đã tạo điều kiện cho Viện IMI, dù có vốn góp nhỏ nhưng vẫn chi phối được hoạt động của các công ty thành viên, đặc biệt về KH&CN. Từ thành công này, trên cơ sở đề xuất của Viện và sự ủng hộ của Bộ Công Thương, Bộ KH&CN…, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Viện IMI chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN, thí điểm mô hình công ty mẹ - công ty con. Đây là quyết định đầu tiên của Chính phủ cho phép chuyển đổi một viện nghiên cứu sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, là cơ sở thực tiễn về áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005; Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 và hiện nay là Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN. Sau hơn 20 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, công ty mẹ - công ty con, Viện IMI đã hoàn thiện và phát triển được 5 đơn vị nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, 3 phòng thí nghiệm cùng 8 đơn vị thành viên là công ty con và doanh nghiệp có vốn góp của Viện IMI.

Máy hàn cốt thép ống cống bê tông điều khiển CNC đường kính 0,3-4,5 m.

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện IMI đã áp dụng cơ chế khi cán bộ khoa học tham gia đề tài nghiên cứu được hưởng đến 70% thành quả lao động khi chuyển giao bản quyền cho các công ty thành viên. Đồng thời, hỗ trợ cán bộ khoa học góp vốn mua cổ phần ưu đãi, nên hầu hết cán bộ của Viện IMI đều là cổ đông tại các công ty thành viên.

Cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ công nghệ

Viện IMI luôn tích cực tham gia công tác đào tạo để góp phần cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho đất nước: phối hợp đào tạo cử nhân cơ - điện tử với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội…; mở rộng loại hình đào tạo nghề, phối hợp đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu của các đơn vị thuộc Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam…. Bên cạnh đó, Viện IMI còn triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN để tiếp nhận và cung cấp giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các đơn vị sản xuất trong nước.

Thay lời kết

Với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, trải qua 20 năm chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con trong lĩnh vực KH&CN; kế thừa và phát huy truyền thống năng động của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học, Viện IMI đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, hạn chế để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ; nhiều chỉ tiêu kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành tích mà Viện IMI đạt được trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN (năm 2005); Giải thưởng Nhà nước về KH&CN (năm 2011); đồng thời được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2009). Kết quả đó khẳng định mô hình công ty mẹ - công ty con trong hoạt động KH&CN được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng với Viện IMI là đúng đắn, kịp thời và tạo động lực để Viện IMI phát triển theo hướng doanh nghiệp KH&CN đa sở hữu.

Trong giai đoạn tới, Viện IMI sẽ phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp sẵn có về cơ sở vật chất, năng lực công nghệ về cơ - điện tử; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học gắn với chuyển giao ứng dụng kết quả vào sản xuất; phát triển các công ty thành viên để cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm mang thương hiệu IMI, làm động lực cho việc phát triển, phấn đấu đưa Viện IMI trở thành một trong những tổ chức KH&CN hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ - điện tử.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)