Thứ tư, 19/04/2023 14:42

Long An: Phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0

Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN Long An vừa triển khai thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An". Đề tài đã xây dựng thành công 02 mô hình với việc trang bị các thiết bị hiện đại như: máy quan trắc môi trường nước có thể kiểm tra thông qua ứng dụng trên các thiết bị di động, ứng dụng mã QR có thể truy xuất được nguồn gốc tôm, máy cho tôm ăn tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp kiểm soát được lượng thức ăn và giảm công lao động khi cho ăn…

Xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, năm 2020 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của toàn tỉnh là 4.768,3 ha với sản lượng 12.540 tấn, năng suất trung bình 2,8 tấn/ha đã góp phần quan trọng vào sản lượng xuất khẩu tôm của cả nước. Thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đến nay Long An cơ bản hình thành được các vùng sản xuất gắn với thế mạnh của các ngành hàng chủ lực của tỉnh, trong đó định hướng đến năm 2025, diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh đạt khoảng 6.200 ha. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm thời gian qua gặp nhiều khó khăn do đối mặt với diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, chi phí vật tư đầu vào biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá. Vì vậy, vệc cải tiến quy trình kỹ thuật, đưa các mô hình mới vào nuôi tôm nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập của người dân là vấn đề hết sức cần thiết. Nuôi tôm 3 giai đoạn là mô hình giúp nông dân dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn, theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của tôm, giúp mang lại năng suất và lợi nhuận ổn định.

Hiện nay, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh mẽ tại Long An, đây là đối tượng nuôi chủ lực của các huyện như: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước… do tôm dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, thị trường tiêu thụ rộng, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Tôm thẻ chân trắng có khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quá trình nuôi độc canh và nuôi tăng vụ, mật độ cao trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã bộc lộ nhiều hạn chế như tôm tăng trưởng kém, dễ nhiễm bệnh, chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bên cạnh đó, môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, chi phí vật tư đầu vào (con giống, vật tư, thuốc thú y thủy sản, thức ăn...) luôn biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong tỉnh. Nhu cầu của thị trường tôm thẻ chân trắng rất lớn nhưng sản lượng tôm đáp ứng không đủ so với nhu cầu thị trường do năng suất của các mô hình nuôi truyền thống không cao. Vì vậy, việc cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các mô hình nuôi tôm nhằm tăng năng suất, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, đặc biệt là nâng cao các giá trị sản xuất nông nghiệp là vấn đề cần thiết hiện nay.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình nuôi tôm

Được sự đồng ý UBND tỉnh, từ cuối năm 2021, Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN đã triển khai thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An" với kinh phí gần 4 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 936 triệu đồng. Đề tài đã xây dựng 02 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0 tại xã Nhật Ninh, huyện Tân Trụ . Mô hình được xây dựng có sử dụng các thiết bị hiện đại như máy quan trắc môi trường nước có thể kiểm tra thông qua ứng dụng trên các thiết bị di động, ứng dụng mã QR có thể truy xuất được nguồn gốc tôm dễ dàng, máy cho tôm ăn tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp kiểm soát được lượng thức ăn và giảm công lao động khi cho ăn. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng giúp cho người nuôi quản lý ao nuôi tốt hơn, kiểm soát quá trình phát triển của tôm, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí, nhân công, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh việc ứng dụng các thiết bị hiện đại, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng còn tiến hành nuôi tôm theo 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn, gồm giai đoạn nuôi ương trong bể tròn lót bạt (khoảng 20-30 ngày), sau đó chuyển sang giai đoạn 2 nuôi trong ao đất lót bạt (khoảng 25-30 ngày), giai đoạn sau cùng là thả tôm ra ao đất đáy cát lót bạt bờ nuôi thương phẩm và chờ thu hoạch. 

Quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn được tiến hành với việc sử dụng nguồn nước mặn dùng để ương nuôi tôm thẻ chân trắng là nước ót có độ mặn từ 150-200‰, kết hợp cùng muối pha với nước ngọt để đảm bảo độ mặn trong ao ương và ao tuần hoàn khoảng 8-10‰. Mỗi giai đoạn nuôi tôm có cách xử lý nước, mật độ nuôi và vận hành hệ thống bơm nước tuần hoàn khác nhau. Tôm giống thả vào ao ương 5-7 ngày thì tiến hành bơm nước tuần hoàn giữa ao ương với ao tuần hoàn giai đoạn ương giống. Khi tôm được 20 ngày tuổi thì tiến hành chạy tuần hoàn đảo nước với ao nuôi giai đoạn 2. Khi tôm ương được 20-25 ngày thì tiến hành chạy đảo nước với ao nuôi giai đoạn 2, sau 5 ngày chạy đảo nước, tôm ương được 25-30 ngày thì tiến hành mở bọng, bơm nước tuần hoàn từ ao nuôi giai đoạn 2 vào ao ương cho tôm đi theo dòng nước qua ao nuôi để tiến hành nuôi giai đoạn 2. Tôm nuôi giai đoạn 2 được 20-25 ngày thì tiến hành chạy đảo nước với ao nuôi giai đoạn 3, sau 5 ngày chạy đảo nước thì tiến hành kéo lưới tôm từ ao nuôi giai đoạn 2 qua ao nuôi giai đoạn 3. Đối với mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn nuôi ngắn, tôm ở các giai đoạn được bố trí nuôi ở các ao khác nhau nên ít phát sinh chất thải và khí độc dưới nền đáy, chất lượng nước luôn ổn định, ít bị ô nhiễm, giúp kích thích sự tăng trưởng của tôm, tôm sẽ lớn nhanh hơn trong thời gian ngắn so với mô hình nuôi tôm 1 giai đoạn. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm 3 giai đoạn giúp nền ao nuôi có thời gian nghỉ giữa các vụ nuôi dài, giảm thiểu tình trạng phát triển của mầm bệnh, gây hại cho vụ tiếp theo. Trong quá trình nuôi tôm sử dụng men vi sinh, không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi đảm bảo, giúp hộ nuôi giảm chi phí, tăng năng suất tôm.

Sự thành công của đề tài đã giúp mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, giúp khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của tỉnh, tạo ra được sản phẩm tôm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đối với các thị trường khó tính như hiện nay, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất bền vững. Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đã được ứng dụng chuyển giao đến tận tay người ương nuôi tôm trong vùng, mang lại năng suất và lợi nhuận ổn định.

Ngọc Hiếu

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)