Thứ sáu, 07/04/2023 08:56

Ninh Bình: Nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học

Trải qua 2 năm thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học”, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã nhân giống thành công giống gà lai Đông Tảo (tỷ lệ nở đạt 90,26%), tỷ lệ sống của đàn gà thương phẩm đạt 92,5%, khối lượng cơ thể trung bình đạt 2,9 kg/con.

Nho Quan: Huyện có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi gia cầm

Gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong số các giống gà ở nước ta, gà Đông Tảo nổi tiếng với thân hình cao lớn, chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt là cặp chân to có vẩy. Gà Đông Tảo đang được người dân chăn nuôi, phát triển, đem lại những tác động tích cực trong công tác giữ gìn, bảo tồn giống.

Nho Quan là huyện có nhiều tiềm năng đất đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế vườn - đồi, chú trọng phát triển những vật nuôi đặc sản, lợi thế của vùng. Trong đó, nuôi gà lai Đông Tảo hiện nay đang là hướng đi mới, được huyện thúc đẩy phát triển theo hướng quy mô, tạo thương hiệu, chủ động sản xuất và cung cấp nguồn con giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Mặc dù vậy, trước năm 2021, đã có một số hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn huyện Nho Quan áp dụng nhân giống gà Đông Tảo, tuy nhiên trang trại gà các hộ trên địa bàn thường xảy ra dịch bệnh. Khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, có đợt dịch, gà mắc bệnh chết la liệt, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhiều hộ gia đình nỗ lực đầu tư nhân lực, vật lực vào chăn nuôi nhằm thoát nghèo đã không thành, nay còn mắc thêm nợ nần. Điều này đòi hỏi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là hỗ trợ về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) cho bà con.

Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào phát triển giống gà Đông Tảo

Với mục tiêu hỗ trợ các hộ chăn nuôi tránh khỏi tình trạng gà bị chết vì dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan đã đề xuất và được Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình phê duyệt thực đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học”. Các hộ cũng được dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, các kỹ thuật viên được đào tạo phục vụ mô hình.

Trang trại gà Đông Tảo do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan thực hiện.

Theo quy trình, các hộ tiến hành nuôi ổn định đàn gà bố, mẹ. Giai đoạn bắt đầu cho gà sinh sản, ghép ô chuồng đảm bảo tỷ lệ, đảo gà trống giữa các ô chuồng. Theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn gà sinh sản, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gà sinh sản; thu trứng, bảo quản và các quy trình tiến hành ấp nở gà con bằng lò công nghiệp… Các con giống đạt yêu cầu được chuyển sang mô hình nuôi gà lai Đông Tảo thương phẩm. Mật độ nuôi ở chuồng nuôi và mật độ ở vườn luôn đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của nuôi gà thả vườn. Trong đó, mật độ chuồng nuôi dao động 6,6-7,7 con/m2, mật độ nuôi ở vườn nuôi dao động 1,1-1,4 con/m2.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu yêu cầu cần đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh, phòng bệnh cho gà. Riêng nuôi ở chuồng, định kỳ cần phun thuốc sát trùng, vôi bột. Dụng cụ máng ăn, máng uống, quốc xẻng, xô chậu phải được rửa, sát trùng thường xuyên ít nhất 1 tuần 3 lần. Chuồng trại luôn khô thoáng sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Không cho gà ăn thức ăn mốc, thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc từ vùng đang có dịch bệnh. Chú ý việc đảo và bổ sung đệm lót sinh học 1 tuần/lần tránh gây mùi, hạn chế ổ bệnh phát sinh từ nguồn phân gà.

Kết quả của đề tài đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể, mô hình nhân giống triển khai đảm bảo tiến độ, nội dung theo mục tiêu đề ra với 500 con giống bố mẹ sinh sản (400 mái, 100 trống) khỏe mạnh, tỷ lệ nở đạt 90,26%. Sản lượng trứng đạt 100 quả/mái/năm. Kết quả cho thấy, gà bố mẹ sau một thời gian nuôi thích nghi đều có sức khỏe tốt với điều kiện môi trường mới và bước vào giai đoạn sinh sản. Ở tuần thứ 25, tỷ lệ sống của gà bố mẹ đạt 100%, thành công này  là nhờ đề tài đã sử dụng gà bố mẹ giai đoạn thành thục về sinh trưởng và ở giai đoạn ổn định về sức khỏe kết hợp với điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tại mô hình, gà được chăm sóc tốt hầu như không bị nhiễm bệnh nguy hiểm. Với mục tiêu chăn nuôi gà sinh sản lai Đông Tảo, bên cạnh các tiêu chí về sức khỏe đàn giống bố mẹ, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nở thì chất lượng trứng vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng con giống và hiệu quả của mô hình nuôi sinh sản. Như vậy, mô hình sinh sản đã triển khai thực hiện và kết thúc thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế.

Đối với mô hình nuôi gà lai Đông Tảo thương phẩm theo hướng an toàn sinh học với quy mô 12.084 con, thời gian nuôi 5 tháng, khối lượng gà xuất bán đạt trung bình là 2,9 kg/con. Hiệu quả sử dụng thức ăn là 3,52 kg thức ăn/kg tăng khối lượng, chi phí thú y gồm phòng và trị bệnh trung bình là 12.000 đồng/con, gà được phòng đầy đủ các loại vác xin như marek, cúm gà, cầu trùng, gumboro, viêm thanh khí quản truyền nhiễm, newcastle. Trong quá trình thực hiện đề tài, đàn gà khoẻ mạnh không gặp dịch bệnh nguy hiểm, chỉ có một số trường hợp gà bị cầu trùng, tiêu chảy và hen, sau khi điều trị đàn gà đã khỏi bệnh. Tỷ lệ nuôi sống của đàn gà cao, đạt trung bình là 92,5%. Kết quả sau 8 đợt nuôi, số lượng gà xuất bán của mô hình nuôi gà thương phẩm là 11.835 con, đạt 34.212,28 kg thịt gà hơi xuất chuồng. Có thể nói, mô hình gà thương phẩm đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăm sóc chăn nuôi gà thương phẩm, việc chuẩn bị chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và mật độ nuôi, kỹ thuật úm gà, quy trình kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng gà lai Đông Tảo thương phẩm.

Có thể nói, đề tài là động lực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Qua đó, nâng cao trình độ KH&CN cho các hộ chăn nuôi, làm thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún, chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn, lựa chọn những con nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, được thị trường ưa chuộng.

Minh Tuân

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)