Người dân ứng dụng công nghệ cảm biến để theo dõi độ ẩm đất, dinh dưỡng đối với mô hình trồng ớt ngọt trong nhà kính tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.
Hạ tầng số trên địa bàn Sơn La phát triển rộng khắp, triển khai mạng di động 4G đến tất cả các khu vực. Tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%; tất cả cán bộ, công chức, viên chức các cấp được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn đạt 100%; mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Nhà nước triển khai, kết nối từ UBND tỉnh đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố... Đặc biệt, quá trình phát triển chính quyền số, duy trì hiệu quả hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh...; ứng dụng chữ ký số đảm bảo việc trao đổi các văn bản điện tử nhanh, thuận lợi, an toàn thông tin. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến xã; đến hết ngày 31/3/2023, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/tổng số hồ sơ tiếp nhận trên địa bàn tỉnh đạt 52,71%, đã tích hợp 538 dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 của tỉnh trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đã tham gia sàn thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Các Sở, ngành của tỉnh phối hợp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản, tổ chức tập huấn đào tạo các hợp tác xã trọng điểm của tỉnh, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử. Trong đó, Sở Công Thương thí điểm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La, cập nhật thông tin 109 sản phẩm; 72 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch.
Ánh Nguyệt