Vai trò của chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang được xem là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Không chỉ các doanh nghiệp mà các tổ chức Chính phủ, người dân cũng quan tâm đến chuyển đổi số. Có thể thấy, tầm quan trọng của chuyển đổi số được thể hiện rõ ràng qua những lợi ích mà nó mang lại cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Chuyển đổi số là tập trung vào đổi mới tổng thể, tăng cường khả năng thích ứng, tập trung nhiều hơn vào việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu, tri thức hữu ích cho tất cả các cấp ra quyết định, dựa trên dữ liệu. Có thể hình dung chuyển đổi số giống với hệ thần kinh trung ương, giúp doanh nghiệp, tổ chức trở nên thông minh, có khả năng sáng tạo, thích nghi nhanh chóng và hiệu quả với các thay đổi. Qua đó, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các ngành/lĩnh vực như:
Thứ nhất, về lĩnh vực nông nghiệp: chuyển đổi số giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nông nghiệp Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, có thể kể đến: bão lũ, dịch bệnh, lưu lượng nước ngọt giảm không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích đất… Hệ quả là làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và thậm chí thất thu trong nông nghiệp. Chuyển đổi số giúp ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao năng suất lao động: một vài vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Thực tế, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Thứ hai, về lĩnh vực giáo dục: việc ứng dụng công nghệ trong phương thức giảng dạy và học mang đến cơ hội học tập linh động cho người học. Lúc này, không gian lớp học sẽ không còn bị giới hạn bởi bốn bức tường của lớp học truyền thống do vậy mà người học có thể học tập bất cứ nơi nào miễn là có sự trang bị của các thiết bị học tập công nghệ như máy tính, laptop, smartphone… Chuyển đổi số còn tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học. Điều đó có nghĩa là người học có thể truy cập vào các tài nguyên học tập một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Học liệu điện tử sẽ thay thế dần học liệu truyền thống, giúp giảm thiểu chi phí học tập…
Thứ ba, về lĩnh vực du lịch: cũng như các ngành khác, việc ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tăng tính liên kết toàn hệ thống, ổn định và kiểm soát chất lượng dịch vụ, tăng lượng khách hàng tiếp cận… Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch áp dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chăm sóc cá nhân hóa khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn… Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp rõ rệt.
Sự cần thiết của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng là chủ trương của Chính phủ. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu; trong đó chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp để phát huy hiệu quả các tiềm năng của nông thôn trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Nam Định ngày 31/12/2020 về “Chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đặc biệt là Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/8/2022, thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh Nam Định đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định” nhằm tổng hợp, đưa ra khái niệm xã thông minh và đề xuất những giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để xây dựng xã, thị trấn thông minh trên địa bàn tỉnh. Theo đó đề tài đã lựa chọn, đề xuất sử dụng giải pháp Microsoft Sharepoint cùng với hệ điều hành Windows Server và hệ quản trị cơ sở dữ liệu (MSSQL Server) để xây dựng hệ thống phần mềm, ứng dụng xây dựng xã thông minh. Đây là giải pháp công nghệ đáp ứng đầy đủ ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng để thiết kế phần mềm, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phù hợp, đồng bộ, thống nhất với phần mềm dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, như: trục chia sẻ; tích hợp dữ liệu GLSP; cổng thông tin điện tử của tỉnh; cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; hệ thống thông tin báo cáo; phần mềm quản lý văn bản và điều hành... Ngoài ra, đề tài còn xây dựng 3 phần mềm gồm “Hệ thống nền tảng kết nối các phần mềm dùng chung ở các xã, thị trấn”, “Ứng dụng di động cho công chức”, “Ứng dụng di động cho người dân, doanh nghiệp” để triển khai thử nghiệm xây dựng xã thông minh phục vụ chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Kết quả của đề tài đã mang lại nhiều lợi ích, cụ thể, đến nay các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm; hơn 200 sản phẩm nông nghiệp của 60 doanh nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Voso, Postmart. Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo Toản Xuân, ngao sạch Lenger, nông sản sấy Minh Dương, muối sạch Nam Định...
Thành công của đề tài đã đem lại giải pháp tối ưu, thiết thực trong cuộc sống, đồng thời giúp chương trình xây dựng NTM của tỉnh Nam Định giành được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, hiện đại. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, trình độ sản xuất của nông dân được “chuyên nghiệp hóa”. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngọc Ánh