Thứ hai, 17/04/2023 15:42

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng

Ngày 15/04/2023, Ban Văn hóa Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn Di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng”. Hội thảo được tổ chức trên cơ sở kết quả 3 chuyến khảo sát các cơ sở tự viện và tọa đàm về kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở 3 miền Bắc, Trung, Nam mà Ban Văn hóa Trung ương đã thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương cho biết, hội thảo nhằm mục đích lắng nghe ý kiến của Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hóa, di sản văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo… để góp phần tạo nên thành công của Đề án kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà Ban Văn hóa Trung ương đang triển khai. Những ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ phần nào định hướng bảo tồn kiến trúc Phật giáo truyền thống và phát huy kiến trúc Phật giáo trong tương lai, vừa đảm bảo tính truyền thống của tư tưởng Phật giáo, vừa đảm bảo tính đa dạng hệ phái và vùng miền.

PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay là giai đoạn có nhiều nhất các công trình kiến trúc Phật giáo, với khoảng 18.000 ngôi chùa trên cả nước và có những đặc điểm riêng với nhiều điểm mới so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng tồn tại những bất cập, hạn chế, cần có sự đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện để đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục cũng như bảo tồn giá trị kiến trúc Phật giáo trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của Tăng Ni, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khắp nơi gửi về. Nội dung chính mà hội thảo hướng đến là làm rõ những vấn đề chung về kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn, trong các hệ phái, vùng miền; thực trạng của kiến trúc Phật giáo hiện nay trên các phương diện xây dựng mới, trùng tu và phục dựng các công trình kiến trúc; những hạn chế, bất cập và các yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc; đề xuất những nguyên tắc, định hướng nhằm xây dựng bộ tiêu chí hoặc tài liệu hướng dẫn cho việc xây dựng mới, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc; xây dựng biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và trụ kinh Chuyển Pháp luân.

Cùng ngày, Ban Văn hóa Trung ương cũng đã khai mạc triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh khái quát về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam với những nội dung khái quát, tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo từng vùng miền, hệ phái thông qua không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng kiến trúc.

Quảng Đạo - Ngọc Tú

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)