Thứ năm, 05/01/2023 10:44

Nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã trình bày báo cáo, trong đó nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH,CN&ĐMST năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, KH,CN&ĐMST đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã trình bày “Báo cáo kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023”, trong đó nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội 04 Luật sửa đổi, bổ sung các luật: Luật KH&CN; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử. Theo đó, trong năm 2023, Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trình Chính phủ thông qua.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để KH,CN&ĐMST với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh công nghệ mới là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Tăng cường phát triển hệ thống dự báo, đánh giá trình độ, năng lực công nghệ sản xuất, lộ trình đổi mới công nghệ của một số lĩnh vực ưu tiên và một số lĩnh vực gắn với sự đầu tư của doanh nghiệp có thế mạnh của Việt Nam.

Xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trong một số dự án KH&CN. Trong năm 2023, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Hai là, tập trung nguồn lực để triển khai có chất lượng và hiệu quả Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 theo hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Bộ KH&CN thực hiện vai trò trung tâm trong điều phối, liên kết với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp về hoạt động KH,CN&ĐMST, góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu KH,CN&ĐMST. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN theo hướng đồng bộ, hiệu quả hiện đại và hội nhập.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH,CN&ĐMST. Tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu quốc tế, các nhiệm vụ hợp tác song phương. Mở rộng, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài.

Bảy là, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu công nghiệp, an toàn bức xạ và hạt nhân. Trọng tâm năm 2023, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tám là, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)