Thứ năm, 05/01/2023 09:18

Hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực

Sự hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực giữa các thành tố trong hệ thống đổi mới sáng tạo sẽ góp phần giải quyết các vấn đề còn tồn tại và phát huy tốt hơn sự đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021, Hội nghị thường niên về “Phát triển KH,CN&ĐMST và Nguồn nhân lực” đã được 5 đơn vị “trụ cột” trong lĩnh vực này là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Ngày 24/12/2022, tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị lần thứ 2. Hội nghị tập trung thảo luận về vai trò, đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương; những khó khăn, trở ngại cần vượt qua; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách, pháp luật để KH,CN&ĐMST phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Những thách thức đặt ra

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xác định lấy ĐMST làm đột phá chiến lược trong phát triển. Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030” cũng đã xác định: Phát triển KH,CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Chiến lược cũng đã khẳng định: Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia và các hệ thống ĐMST ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực các định hướng này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho rằng, trong nhiệm vụ phát triển KH,CN&ĐMST có một số thách thức đang đặt ra. Thứ nhất là, ngân sách chi đầu tư cho con người mà cụ thể là cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học ngày càng hạn chế. Một phần là do thực hiện chính sách cắt chi thường xuyên đối với các đơn vị thực hiện tự chủ đại học. Thứ hai là, việc đầu tư chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm. Thứ ba là, hiện nay các nhà khoa học ngoài việc viết bài báo, viết sách, nghiên cứu khoa học còn phải làm thanh quyết toán. GS Vũ Hải Quân nhấn mạnh: “không nên biến nhà khoa học thành kế toán viên”. Sản phẩm, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học nên để các nhà khoa học giám sát lẫn nhau. Khi các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu cần công bố và công khai trên mạng để các nhà khoa học khác giám sát. Ví dụ như sản phẩm nghiên cứu đó đã tốn bao nhiêu kinh phí. Các quy định về giải ngân, quyết toán, tài chính hiện liên quan tới luật thì cần từng bước đơn giản hóa thủ tục và giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài. Bên cạnh đó, hai thách thức khác cũng được Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề cập là vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN chưa đáp ứng được sự phát triển và chưa phát huy được hết vai trò của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân phát biểu tại Hội nghị.

Đề cập đến vấn đề phát huy vai trò của của KH&CN đối với sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm và các đô thị lớn, TS Chu Thúc Đạt (Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN) cho rằng còn chưa xứng với tiềm năng. Theo TS Chu Thúc Đạt, KH&CN chưa phát huy hết vai trò động lực trong khai thác các thế mạnh của vùng, địa phương. Bên cạnh một số sản phẩm địa phương đặc thù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩn chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng lao động, năng suất lao động tại các địa phương còn chưa cao. Mối liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa cao.

TS Nguyễn Đình Chúc (Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) chia sẻ, thách thức chính trong thực tiễn ĐMST ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nhân lực để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐMST trước yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp và sự phát triển của các vùng và địa phương. Đây là một vấn đề rất cấp bách trong quá trình vận hành hệ thống ĐMST ở Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học mặc dù đã được thiết lập nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng kỳ vọng và các mục tiêu của đổi mới sáng tạo. Các viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở khía cạnh “hợp tác ban đầu”, “ngắn hạn” chứ chưa là đối tác lâu dài và chưa có tầm nhìn dài hạn về đào tạo chiến lược nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và địa phương còn hạn chế, có tính thời điểm, chưa tạo nền tảng vững chắc, lâu dài.

Cần sự hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn từ các đơn vị “đầu tàu” và cộng đồng doanh nghiệp

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, vai trò của các đơn vị quản lý, nghiên cứu và đào tạo đầu ngành như Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy KH,CN&ĐMST, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp hiệu quả và trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đơn vị này cần tăng cường hợp tác trên tất cả các khía cạnh và quá trình hợp tác này sẽ bổ trợ cho nhau để cùng nhau duy trì dòng chảy của KH&CN trong đời sống kinh tế - xã hội, gắn chặt với các địa phương và vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN tập trung triển khai trong thời gian tới, đồng thời mong muốn nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị chủ chốt nêu trên và cộng đồng doanh nghiệp.

Một là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động KH,CN&ĐMST; nỗ lực toàn diện và đồng bộ nhằm tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại; tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST nhất là từ doanh nghiệp.

Hai, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Ba là, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.

Bốn là, thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến.

Hội nghị cũng đã lắng nghe và chia sẻ các đóng góp của các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. PGS.TS Phan Thanh Bình (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hội nghị có sự hợp tác của 5 đơn vị lớn, đặt ra các vấn đề về nguồn nhân lực, chính sách, chương trình trọng điểm của quốc gia về KH&CN là rất hay. Để phát huy hiệu quả sự hợp tác này, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng, sau mỗi kỳ họp, Hội nghị sẽ đưa ra những vấn đề lớn cần giải quyết, sau đó triển khai theo cơ chế đặc thù, thì điểm. Từ khía cạnh của doanh nghiệp, ông Phan Thanh Lộc (Giám đốc Vietnam Investments Group - VIG, là một quỹ đầu tư doanh nghiệp, chuyên đầu tư vào các ngành đang tăng trưởng ở Việt Nam) mong muốn các cơ quan trụ cột về KH,CN&ĐMST sẽ lựa chọn một số vấn đề mũi nhọn, chiến lược có tính cạnh tranh cao trong một số ngành, lĩnh vực và cùng nhau tập trung giải quyết từng bài toán, ví dụ như giải quyết bài toán công nghệ trong ngành phụ phẩm công nghiệp… PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh (Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Pháp) đề xuất tổ chức các hội thảo chuyên đề trước thềm Hội nghị chính thức và mở rộng sự tham gia của các đơn vị trong các Hội nghị sau. 

Như vậy, song song với việc khắc phục những hạn chế, sự hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực giữa các thành tố trong hệ thống ĐMST tại các vùng và địa phương sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa những nghiên cứu, sáng tạo thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ con người. Vai trò quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị nghiên cứu, đào tạo đầu ngành như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy ĐMST, đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và địa phương. Do đó, các đơn vị cần tăng cường hợp tác trên tất cả các khía cạnh. Sự hợp tác sẽ giúp các bên bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, giúp phát huy thế mạnh giữa các bên để đạt đến tính hướng đích cao nhất của KH,CN&ĐMST là làm cho cuộc sống của con người và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Minh Nguyệt

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)