Thứ hai, 26/12/2022 10:22

Viện Nghiên cứu Ngô: Góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền mua giống ngô hàng năm

Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Ngô đã có nhiều đóng góp cho nghiên cứu chọn tạo và phát triển sản xuất ngô ở nước ta. Những giống ngô lai mới của Viện được áp dụng vào sản xuất đã góp phần đưa năng suất ngô Việt Nam từ 3,6 (năm 2005) lên 4,8 tấn/ha (năm 2021), đặc biệt các giống ngô do Viện nghiên cứu chọn tạo đã góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho chi phí giống.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Ngô đã nghiên cứu và chọn tạo thành công 112 giống ngô mới, qua đó góp phần vào sự thành công của chương trình giống ngô lai của Việt Nam với năng suất trung bình đạt 4,8 tấn/ha. Thành công này đã được Trung tâm Cải tiến Ngô và Lúa mỳ Quốc tế (CIMMYT) đánh giá là 1 trong 3 chương trình ngô lai mạnh ở châu Á (gồm Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan).

Trong giai đoạn 2017-2022, với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ngô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cụ thể:

Về nghiên cứu và chọn tạo giống ngô lai

Viện đã nghiên cứu và chọn tạo thành công 32 giống ngô lai, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới, riêng trong năm 2022 được công nhận lưu hành 10 giống ngô lai mới.

Các giống ngô lai được Viện tạo ra trong giai đoạn này có năng suất tiềm năng cao (8-10 tấn/ha), ổn định, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời có sự đa dạng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn sản xuất về ngô lấy hạt, làm thức ăn xanh, thực phẩm (ngô đường, ngô nếp).

Các giống ngô lai do Viện Nghiên cứu Ngô chọn tạo có năng suất tiềm năng đạt 8-10 tấn/ha.

Ứng dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống ngô lai

Trong giai đoạn 2017-2022, Viện đã hợp tác với các nhà khoa học, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu và chọn tạo giống ngô ở Việt Nam. Cụ thể:

- Viện đã làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ chọn tạo dòng đơn bội kép bằng cây kích tạo đơn bội (inducers), qua đó giúp tạo ra thế hệ dòng ngô mới với tỷ lệ đồng hợp tử đạt 100%. Trên cơ sở đó giúp nhanh chóng tạo ra được các giống ngô lai mới năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới (ngô Thịnh Vượng 9999, VS89, LVN226...) và có hiệu quả kinh tế cao thông qua các hợp đồng chuyển giao bản quyền hoặc độc quyền phân phối cho các doanh nghiệp.

- Viện đã bước đầu làm chủ và ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử vào đánh giá, sàng lọc nguồn vật liệu, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu và chọn tạo giống ngô. Kết quả còn là cơ sở xây dựng các định hướng nghiên cứu trên nền tảng hiệu ứng ưu thế lai và kỹ thuật công nghệ sinh học phân tử mới, hướng tới gia tăng giá trị chọn giống trong nghiên cứu.

Phát triển mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Giai đoạn 2017-2022, Viện gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã dẫn tới diện tích ngô có xu hướng giảm từ 1,1 triệu ha (năm 2015) xuống 0,9 triệu ha (năm 2021), trong khi đó biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, sự cạnh tranh về thị trường hạt giống ngô lai ngày càng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, Viện cũng đã tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất như: chuyển giao quyền kinh doanh 29 giống ngô lai cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; chuyển nhượng bản quyền 3 giống ngô lai (LVN885, Thịnh Vượng 9999 (LVN399), Đường lai 20) cho các doanh nghiệp.

Hàng năm, các giống do Viện chọn tạo đã cung ứng cho sản xuất từ 3.500-4.000 tấn giống ngô lai các loại, qua đó giúp tiết kiệm cho nông dân 8-9 triệu USD nhờ giá hạt giống ngô của Viện thấp hơn so với giá của công ty nước ngoài khoảng 2 USD/kg.

Với các kết quả nêu trên, Viện đã góp phần giúp các giống ngô nội chiếm khoảng 25-30% thị phần hạt giống ngô lai tại Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống của người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn đến năm 2025, Viện sẽ ưu tiên tập trung vào: i) Đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi: ngô tẻ đang bị thu hẹp dần về diện tích và sản lượng, ngô nếp, ngô đường, ngô sinh khối đang cho thấy triển vọng phát triển. Do nhu cầu rất lớn nên Viện sẽ tập trung nghiên cứu cây ngô sinh khối, xây dựng vùng sản xuất ngô, áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh các giống ngô thực phẩm sẽ xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ii) Cải tiến về vật liệu: vật liệu là nền tảng để chọn tạo ra bộ giống tốt. Trong thời gian tới các nghiên cứu sẽ tập trung vào cải tiến nguồn vật liệu nhằm tạo ra được các nguồn vật liệu ưu tú nhất phục vụ công tác chọn tạo giống của Viện.

CT

 


 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)