Quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc
Quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc là quyền của cá nhân, tổ chức liên quan tới đối tượng là tác phẩm âm nhạc. Trong đó, cá nhân hoặc tổ chức có các quyền đối với tác phẩm âm nhạc như: biểu diễn, ghi âm, ghi hình, phát sóng chương trình, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Vấn đề quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc luôn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc phải tuân theo các điều kiện luật định và đặc biệt phải bảo đảm không được gây phương hại đến quyền tác giả.
Chủ sở hữu quyền liên quan có thể là tổ chức hoặc cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có những thoả thuận khác với các bên liên quan; tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan. Ngoài ra, tổ chức phát sóng chương trình âm nhạc là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp tổ chức đó có thoả thuận khác với các bên liên quan.
Quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc bắt đầu hiện hữu kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, định hình hoặc thực hiện mà trong đó bảo đảm sự phát sinh quyền liên quan không gây ra sự phương hại đến tác quyền.
Các chủ thể được bảo hộ quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm: 1) Cá nhân biểu diễn tác phẩm âm nhạc; 2) Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ; 3) Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình nội dung âm nhạc; 4) Các tổ chức phát sóng nội dung âm nhạc. Ngoài ra, pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định về những hành vi được coi là xâm phạm tới quyền lên quan cụ thể tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ. Đây có thể coi là một trong những căn cứ để bảo vệ tốt quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc dưới nhiều góc độ.
Dưới góc độ dân sự, vấn đề bảo vệ quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc cũng được bảo đảm trên cơ sở thông qua các quy định về bồi thường thiệt hại. Dù là trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng, một khi xuất hiện hành vi gây thiệt hại cho chủ thể có quyền tác giả mà các bên không có thỏa thuận khác thì chủ thể có quyền tác giả bị phương hại hoàn toàn có thể căn cứ vào các quy định về bồi thường thiệt hại để yêu cầu bên gây thiệt hại phải bồi thường.
Dưới góc độ hình sự, chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc có thể dựa trên cơ sở Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Hình phạt có thể là phạt tiền hoặc phạt tù căn cứ các điều kiện cần theo quy định.
Trên cơ sở chế định điều chỉnh về vấn đề khai thác và bảo vệ quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc, có một số điểm cần quan tâm như sau:
Thứ nhất, về quyền của người biểu diễn tác phẩm âm nhạc. Nếu như người biểu diễn vừa là chủ đầu tư thì người đó có quyền nhân thân, quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn âm nhạc. Tuy nhiên, trong trường hợp người biểu diễn không phải là chủ đầu tư thì người đó có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
Thứ hai, về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình nội dung chứa tác phẩm âm nhạc. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình nội dung âm nhạc có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền liên quan tới bản ghi âm, ghi hình mà mình xuất bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Đặc biệt, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoàn toàn được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
Thứ ba, về quyền của tổ chức phát sóng. Tổ chức phát sóng nội dung âm nhạc được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền như phát sóng, tái phát sóng... trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan. Đặc biệt, tổ chức phát sóng còn được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
Thứ tư, có thể khai thác quy định về các trường hợp sử dụng quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc mà không phải xin phép nhưng phải bảo đảm một số điều kiện nhất định. Các trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bao gồm: ghi âm, ghi hình trực tiếp một phần cuộc biểu diễn để giảng dạy không nhằm mục đích thương mại hoặc để đưa tin thời sự; tự sao chép hoặc hỗ trợ người khuyết tật sao chép một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng này đã được công bố để giảng dạy; trích dẫn hợp lý nhằm mục đích đưa tin thời sự; tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.
Thực tiễn khai thác và bảo vệ quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều cơ chế để đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc và quyền liên quan đến tác phẩm âm nhạc như: pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật hành chính, hình sự. Bên cạnh cơ chế tự bảo vệ của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ thì còn có những tổ chức phi chính phủ được thành lập với chức năng nhiệm vụ bảo vệ các quyền, quyền liên quan đối với các chủ thể trong quan hệ pháp luật nêu trên như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Trung tâm này được thành lập từ năm 2002 với vai trò là cơ quan phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực âm nhạc, vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc, thu thập bằng chứng, chứng cứ chứng minh những vi phạm, gửi tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở pháp luật. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp xâm phạm tới quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc hiện nay, Hội nghị Ban Chấp hành Hội nhạc sỹ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03/NQ-HNS về việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc vẫn đang tồn tại nhiều bất cập với những diễn biến ngày càng phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cần quy định chi tiết, rõ ràng của hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc. Thực tiễn trong thời gian qua đang tồn tại các vấn đề như mua bán độc quyền ca khúc, tác phẩm âm nhạc đã được lên album biểu diễn trước đó và đã gắn liền với tên tuổi của một số ca sĩ trẻ khi biểu diễn ca khúc đó. Sau những giao dịch mua bán độc quyền tác phẩm âm nhạc đó, những ca sỹ biểu diễn tác phẩm âm nhạc trước đó hoàn toàn bị mất đi quyền biểu diễn và lưu hành các sản phẩm âm nhạc liên quan đến tác phẩm âm nhạc là đối tượng của giao dịch mua bán độc quyền đó. Pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ có những quy định gắn liền đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Thiết nghĩ cần bổ sung các quy định chi tiết để nâng cao khả năng bảo hộ lợi ích đối với các quyền tác giả và đặc biệt đối với quyền liên quan của tác phẩm âm nhạc trước những diễn biến trên thực tế hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 năm 2009.
3. Bộ luật Dân sự 2015.
4. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.