Xu hướng chính
Vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay luôn đóng vai trò quan trọng như một cực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng sự phát triển mang tính cạnh tranh của vùng thông qua tài trợ hoạt động đầu tư của một số tỉnh thành trong vùng và thông qua các nghiên cứu phân tích và tư vấn.
Trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ tập trung xung quanh TP Hồ Chí Minh và bao gồm 5 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh), là khu vực đô thị hóa và kinh tế sôi động của cả nước, chịu trách nhiệm đóng góp phần lớn vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Được biết đến như “công xưởng” của Việt Nam và là điểm đến chính của FDI trong những thập kỷ qua, khu vực này là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vùng Đông Nam Bộ có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2020, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm một số tỉnh/thành trong đó có các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 40% GDP và 42% vốn FDI của cả nước, ngay cả khi chỉ chiếm 23,4% dân số quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ đang bị suy yếu: 1) trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 6,6%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình cả nước là 7,6% và tốc độ tăng trưởng 8,9% của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với trung tâm là thành phố Hà Nội; 2) năng suất lao động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn cao nhất cả nước; tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ đạt 4,5%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước là 6,8% và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 8,1%; 3) mặc dù đóng vai trò là vùng tập trung kinh tế lớn nhất Việt Nam, nhưng mức chi ngân sách nhà nước bình quân đầu người của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2015-2019 thấp hơn gần 25% so với mức trung bình cả nước và thấp hơn gần 29% so với mức trung bình của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; 2) chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây cũng cho thấy, các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bắt đầu tụt hậu so với các tỉnh thuộc các Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Trung bộ. (chỉ số này dựa trên một loạt các chỉ tiêu đánh giá môi trường pháp lý và chính sách, tiếp cận đất đai, minh bạch thông tin, hỗ trợ và đào tạo doanh nghiệp).
Vấn đề chính
Tốc độ tăng trưởng chậm lại của khu vực Đông Nam Bộ là một vấn đề đáng lo ngại và phần nào có nguyên nhân từ những thách thức về điều phối ở cấp vùng. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết các vấn đề điều phối vùng, bao gồm việc thành lập hội đồng vùng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2015 và gần đây là ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, hội đồng vùng vẫn chưa hoạt động như một cơ chế vận hành hiệu quả để điều phối và thực hiện các dự án hạ tầng, dự án phát triển kinh tế - xã hội và những dự án có sử dụng đất khác của vùng. Điều này cũng có nghĩa là chưa có quy hoạch vùng tích hợp, khiến chúng ta thiếu một hệ thống để sắp xếp thứ tự ưu tiên và thực hiện các dự án đầu tư nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của vùng. Nguyên nhân của thực trạng này là một vấn đề cơ bản liên quan đến sự không nhất quán giữa một bên là các quy định chính sách nhằm thiết lập cơ chế điều phối và đầu tư vùng, và bên kia là khung pháp lý hiện hành về quy hoạch, lập kế hoạch ngân sách và đầu tư công. Khung pháp lý này không hỗ trợ mối quan hệ hợp tác thực chất giữa các cấp, các ngành do ưu tiên đầu tư cấp tỉnh hơn là đầu tư vùng.
Đề xuất giải pháp
Vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng quay trở lại vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế của Việt Nam và trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của châu Á. Có 3 lĩnh vực cải cách chính sách cần sớm được quan tâm:
Thứ nhất, về quản trị công cấp vùng, Chính phủ phải thiết lập cơ chế liên kết vùng, tăng cường chức năng và vai trò lập kế hoạch và điều phối các chương trình, dự án ngành và liên ngành, ở quy mô vùng. Cơ chế này phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan chính để thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng, bao gồm các cơ quan trung ương trong những lĩnh vực quan trọng, chính quyền cấp tỉnh và địa phương, cũng như đại diện của doanh nghiệp và ngành. Trong ngắn hạn và trung hạn, Chính phủ có thể xem xét áp dụng phiên bản sửa đổi của mô hình Hội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay do Thủ tướng Chính phủ thành lập vào năm 2020 (Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020). Theo mô hình này, Hội đồng vùng có trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng, đầu tư và huy động nguồn lực. Về lâu dài, Chính phủ có thể xem xét các cơ chế hợp tác vùng có vai trò và chức năng rộng hơn và thiết thực hơn, không chỉ để điều phối quy hoạch đầu tư vùng mà còn để thực hiện các dự án và hoạt động cấp vùng. Theo những mô hình này, cần thành lập Hội đồng chính quyền vùng hoặc Ủy ban phát triển vùng.
Thứ hai, về quy hoạch vùng, cơ chế hợp tác vùng phải trao quyền cho Hội đồng vùng hỗ trợ lập quy hoạch vùng theo yêu cầu của Luật Quy hoạch năm 2019. Cần có các quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn của vùng để làm cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên và tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được xác định trong quy hoạch vùng. Nếu không, tác động của quy hoạch vùng sẽ bị hạn chế trên thực tế. Để hỗ trợ kế hoạch này, cần có một hệ thống thông tin dữ liệu vùng tích hợp (IRDIS) để lập kế hoạch và giám sát việc phê duyệt các dự án phát triển, tác động môi trường cũng như nhu cầu về dịch vụ và hàng hóa công cộng trong vùng.
Thứ ba, các phương án về cơ chế huy động vốn cho hoạt động đầu tư cấp vùng cần được xác định dựa trên khung pháp lý và ưu tiên chính sách của Chính phủ. Những khó khăn, thách thức của vùng vượt qua ranh giới các tỉnh, thành và các giải pháp đầu tư cũng vậy, từ lập kế hoạch, thực hiện đầu tư cho đến hiệu quả đầu tư. Việc thiếu phương pháp tiếp cận tích hợp có thể làm giảm mạnh hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng. Một ví dụ gần đây là thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và các đối tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong hoạt động phát triển nguồn điện mới (đặc biệt là năng lượng tái tạo), dẫn đến cắt giảm năng lượng (lên đến 80%) tại thời điểm có những lo ngại về an ninh năng lượng.
Thứ tư, vùng Đông Nam Bộ sẽ phải giảm lượng phát thải carbon để duy trì tính cạnh tranh trong tương lai. Trong tương lai, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ở những thị trường mà lượng phát thải carbon cao đi kèm với mức giá bị áp thông qua thuế biên giới carbon. Khả năng gắn nhãn trung hoà carbon lên sản phẩm sẽ được đưa vào bài toán của doanh nghiệp khi quyết định nơi đặt nhà máy. Là một khu vực có tốc độ tăng trưởng dựa vào dòng vốn FDI, điều này cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Nhu cầu vốn lớn cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế vùng phát thải carbon thấp cũng đòi hỏi tối đa hóa khả năng tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi cao. Tuy nhiên, các rào cản pháp lý đang cản trở khả năng tiếp cận vốn ở cấp vùng và cần xem xét kỹ những sửa đổi, bổ sung cần thiết để điều chỉnh môi trường pháp lý cho phù hợp với nhu cầu đầu tư. Ví dụ, Luật Quản lý tài sản công đang cấm lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái và đầu tư tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà công cộng.
Vùng Đông Nam Bộ có thể huy động nguồn tài trợ bổ sung khi bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế. Cơ sở hạ tầng của thị trường đã sẵn sàng để vận hành thị trường này, bao gồm cả cơ quan đăng ký và hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV). Quy mô thị trường này đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái, sau khi tăng gấp đôi vào năm trước và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Điều này có nghĩa là giải pháp này có thể được thực hiện ngay hôm nay và vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số đông đúc và công nghiệp hóa cao, là khu vực lý tưởng để bắt đầu tiếp cận thị trường.
Ý tưởng của giải pháp này là thực hiện nhiều dự án đầu tư nhỏ vào sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, tổng hợp tác động giảm phát thải của những dự án đầu tư này và bán tín chỉ trên thị trường. Ước tính phương pháp này có thể giảm một nửa chi phí đầu tư ban đầu và sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp để thu hút những doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo hàng đầu đang yêu cầu phải sản xuất xanh vì nhờ đó họ có thể bán hàng với giá cao.