Thứ sáu, 25/11/2022 10:58

Thực vật tránh mặn bằng cách nào?

Mặn trong đất nông nghiệp đang là một vấn đề gia tăng trên toàn cầu, một phần do biến đổi khí hậu, làm tăng độ mặn của đất mỗi khi lũ quét qua các vùng ven biển. Thực vật luôn tìm mọi cách để có thể tránh mặn, vì muối mặn có thể làm hư hại và thậm chí làm chúng chết ngạt. Câu hỏi đặt ra là thực vật đã tránh mặn như thế nào?

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Copenhagen được đăng tải trên Developmental Cell cho thấy, để tránh mặn trong đất, cây trồng có thể thay đổi hướng di chuyển của rễ và phát triển tránh xa vùng nhiễm mặn. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi cây cảm nhận được nồng độ muối tại chỗ, thì hormone stress ABA (axit abscisic) sẽ được kích hoạt trong cây. Hormone này sau đó thiết lập một cơ chế phản ứng thành chuyển động. Theo nhóm nghiên cứu, thực vật có một loại hormone được kích hoạt bởi muối. Loại hormone này gây ra sự tái tổ chức các ống nhỏ dựa trên protein trong tế bào, được gọi là bộ xương tế bào. Sự tái tổ chức sau đó làm cho các sợi cellulose bao quanh các tế bào rễ thực hiện một sự sắp xếp lại tương tự, buộc rễ xoắn theo cách mà nó phát triển thoát khỏi muối.

Theo GS Staffan Persson - thành viên nhóm nghiên cứu, thế giới cần những loại cây trồng có thể chịu mặn tốt hơn để phát triển những loài cây có khả năng chịu mặn, điều quan trọng là phải hiểu cơ chế mà cây trồng phản ứng với muối. Do vậy kết quả nghiên cứu trên có thể giúp mở ra con đường phát triển các giống cây trồng chịu mặn tốt hơn.

Cây con trong môi trường không có và có muối.

Quỳnh Thuận (theo Đại học Copenhagen)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)