Thứ hai, 05/09/2022 08:22
Mô hình trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện Parkinson từ các kiểu thở
Parkinson là một bệnh khó chẩn đoán, chủ yếu dựa vào sự xuất hiện của các triệu chứng vận động như run, cứng và chậm chạp nhưng những triệu chứng này thường xuất hiện vài năm sau khi bệnh khởi phát. Mới đây, nhóm nghiên cứu của GS Dina Katabi tại Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) đã phát triển một mô hình trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện bệnh Parkinson sớm. Mô hình này là một mạng lưới thần kinh, một chuỗi các thuật toán được kết nối mô phỏng cách hoạt động của não người, có thể phát hiện bệnh Parkinson từ nhịp thở vào ban đêm, tức là kiểu thở xảy ra khi đang ngủ.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát triển một thiết bị có kiểu dáng giống bộ định tuyến wifi gia đình, nhưng thay vì cung cấp truy cập internet, thiết bị phát ra tín hiệu vô tuyến, phân tích phản xạ của chúng từ môi trường xung quanh và trích xuất các kiểu thở của đối tượng mà không cần bất kỳ tiếp xúc cơ thể nào. Tín hiệu thở sau đó được đưa đến mạng lưới thần kinh để đánh giá bệnh Parkinson theo cách thụ động và không cần nỗ lực từ bệnh nhân và người chăm sóc
Thiết bị này được thử nghiệm trên 7.687 người, trong đó có 757 bệnh nhân Parkinson. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thuốc Parkinson và chăm sóc lâm sàng. Về mặt phát triển thuốc, kết quả có thể cho phép các thử nghiệm lâm sàng với thời gian ngắn hơn đáng kể và ít người tham gia hơn, đẩy nhanh sự phát triển của các liệu pháp mới. Về mặt chăm sóc lâm sàng, phương pháp này có thể giúp đánh giá bệnh nhân Parkinson ở các cộng đồng truyền thống chưa được phục vụ, bao gồm cả những người sống ở khu vực nông thôn và những người gặp khó khăn khi rời khỏi nhà do hạn chế vận động hoặc suy giảm nhận thức.
Mai Văn Thủy (theo medicalxpress.com)