Tại Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực dược lý di truyền đã chia sẻ những nghiên cứu liên quan đến vấn đề phản ứng có hại của thuốc, ứng dụng thực tiễn các thông tin dược lý di truyền trong hoạt động thăm khám lâm sàng trên thế giới, từ đó đưa ra các hướng phát triển nhằm giải quyết thực trạng sử dụng thuốc tại Việt Nam. Trong đó, giải mã gen được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp căn cơ có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng thuốc của người bệnh và từng bước tạo đà cho sự phát triển của y học dự phòng.
GS George P. Patrinos cho rằng, ứng dụng giải mã gen trong dược lý di truyền chính là những bước đi đầu tiên quan trọng cho y học dự phòng.
GS George P. Patrinos - Giám đốc Khoa học của The Golden Helix Foundation (Vương quốc Anh), đồng Chủ tịch mạng lưới hợp tác y học hệ gen toàn cầu G2MC, Tổng biên tập Tạp chí Dược lý di truyền học của Nature cho biết: trên thế giới, dược lý học di truyền - lĩnh vực khoa học nghiên cứu về cơ chế tương tác giữa thuốc và các gen di truyền đã và đang được coi là một công cụ quan trọng giúp dự phòng nguy cơ phản ứng có hại của thuốc trong y học. Dữ liệu di truyền có được nhờ giải mã gen đóng vai trò quan trọng, giúp bác sỹ kê đơn thuốc hiệu quả hơn, giảm thiểu các tác dụng phụ gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Ông tin tưởng rằng, Việt Nam với nền tảng khoa học vững chắc cùng sự đầu tư mạnh mẽ cho giải mã gen trong thời gian gần đây có thể tạo ra nhiều cơ hội phát triển ở lĩnh vực này.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã tham gia thảo luận về bức tranh toàn cảnh của y học dự phòng ở Việt Nam và các phương pháp để ứng dụng những báo cáo dược lý di truyền vào lâm sàng một cách có ý nghĩa. Theo thống kê năm 2021 của Trung tâm DI & ADR Quốc gia, có hơn 17.276 báo cáo về các phản ứng có hại của thuốc, trong đó có đến 16.981 (98,2%) báo cáo về biến cố bất lợi của thuốc.
TS Võ Sỹ Nam - Giám đốc Khoa học của GeneStory điều phối phiên tọa đàm bàn về giải pháp triển khai hiệu quả ứng dụng lâm sàng của dược lý học di truyền.
Các chuyên gia trong nước nhận định, kiểu gen của mỗi cá nhân sẽ quy định khả năng đáp ứng với mỗi loại thuốc khác nhau. Vì vậy, đã đến lúc người Việt cần được chăm sóc sức khỏe hiệu quả và đúng cách, không chỉ trong phòng bệnh mà còn chữa bệnh. Quan điểm “Một phương thuốc dùng cho nhiều người” cần nhường chỗ cho thời đại của y học dự phòng và y học cá thể hóa. Điều này đang được triển khai hiệu quả nhất thông qua việc giải mã gen.
Có thể nói, Hội thảo đã mang đến một góc nhìn tổng quan về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của tính cá thể hoá trong phòng và điều trị bệnh. Dược lý di truyền học thông qua giải mã gen là giải pháp cần được ứng dụng sâu, rộng hơn nữa trong y học dự phòng, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Bắc Lê