Thứ năm, 21/07/2022 15:24

Bản đồ hiện trạng chất thải rắn - giải pháp tối ưu hoá khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam

Nhằm mục tiêu thúc đẩy hiệu quả sử dụng rác theo phương châm “rác là tài nguyên” hướng tới bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và xây dựng bản đồ hiện trạng chất thải rắn ở Việt Nam nhằm khai thác tối ưu nguồn tài nguyên này. Đây cũng là nội dung trao đổi của các chuyên gia của VIETSE với các nhà khoa học tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Tối ưu hoá khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam” được tổ chức ngày 19/7/2022 tại Hà Nội.

Bài toán xử lý chất thải rắn

Trong những năm gần đây, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế đã dẫn đến tỷ lệ phát sinh chất thải trên toàn thế giới ngày càng tăng. Chất thải rắn có thể được phân loại theo các cách khác nhau, ví dụ chất thải sinh hoạt, chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp và chất thải rắn y tế. Chất thải rắn là một vấn đề rất được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn sinh hoạt tăng về khối lượng, gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000-70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Để giải quyết vấn đề rác thải, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050. Tuy nhiên, phương thức quản lý và xử lý rác thải hiện nay còn lạc hậu, chủ yếu vẫn là đốt và chôn lấp thủ công; việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý hiện đại như tái chế, phát điện từ rác, sử dụng công nghệ vi sinh… còn gặp nhiều khó khăn. Đối với chất thải rắn sinh hoạt  và chất thải rắn công nghiệp, các phương thức xử lý như công nghệ ủ sinh học đã được áp dụng để chế biến thành phân compost, thu khí... nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện tại, đã có 5 công nghệ xử lý chất thải rắn được Bộ Xây dựng  công  nhận, gồm 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ, 1 công  nghệ tạo viên nhiên liệu, 2 công nghệ đốt; trong đó công nghệ xử lý chất thải rắn thành năng lượng có thể được xem là là một giải pháp hiệu quả đối với các thành phố lớn vì công nghệ này không chỉ góp phần xử lý rác thải rắn mà còn cung cấp một nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Giải pháp mới cho quản lý chất thải rắn

Với sứ mệnh thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững và tin cậy, các chuyên gia của VIETSE đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp nhằm tối ưu hóa tiềm năng chất thải rắn của quốc gia. Bà Trần Hoàng Anh - chuyên gia phân tích năng lượng thuộc VIETSE cho biết, VIETSE đã và đang tiến hành nghiên cứu các giải pháp nhằm tối ưu hóa tiềm năng chất thải rắn của quốc gia. Một trong những công cụ quan trọng đang được trung tâm này nghiên cứu phát triển đó là bản đồ chất thải rắn hàng ngày ở quy mô đô thị và công nghiệp. Kho dữ liệu này được xây dựng trên phạm vi toàn quốc và được thực hiện bằng phương pháp nội suy dựa trên số liệu điều tra về lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày trên đầu người tại các tỉnh/thành và số liệu điều tra dân cư cấp xã1. Các kết quả phân tích được trực quan hóa trên hệ thống tin địa lý GIS.

Hệ thống bảng tin của bản đồ gồm có các hạng mục chính gồm: quản lý chất thải rắn y tế, xây dựng và công nghiệp; quản lý các cơ sở xử lý rác thải; các hoạt động thu gom và xử lý rác thải và chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài tính bảo mật cao, hệ thống này còn dễ dàng chia sẻ được dữ liệu tới nhiều người dùng trên nền tảng điện toán đám mây của Google, dễ dàng cập nhật dữ liệu từ xa, cung cấp khả năng cùng thao tác chỉnh sửa bởi nhiều người dùng tại một thời điểm, cung cấp các công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu theo các chuyên đề khác nhau… Bản đồ chất thải rắn tại Việt Nam sẽ góp phần nhận diện tiềm năng tương lai của lĩnh vực này trong quá trình chuyển dịch năng lượng với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ khí hậu. Công cụ này sẽ hỗ trợ quá trình ra quyết định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải một cách hiệu quả, thực sự hiện thực hóa phương châm “rác là tài nguyên”, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Hải Anh - chuyên gia tư vấn cao cấp về môi trường cho rằng, các công nghệ xử lý là một phần quan trọng của chu trình xử lý rác thải. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ nào thì yếu tố tiên quyết vẫn là tính chất của rác thải và nhu cầu của chủ đầu tư. Ngoài ra, tính khả thi về mặt kinh tế cũng là một trong những điều kiện tiên quyết trong viêc lựa chọn công nghệ phù hợp.

Chia sẻ những vướng mắc mà việc xử lý chất thải rắn gặp phải, ông Hans Breukelman - Giám đốc Công ty BreAd, thành viên của Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) khẳng định, không có công nghệ nào là ‘liều thuốc tiên’ cho xử lý rác thải, mà sẽ cần tới giải pháp riêng cho từng vùng. Đây là vấn đề cần có sự hợp tác của nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Trong đó hợp tác công - tư sẽ đóng vai trò thiết yếu với hiệu quả xử lý rác.

Xuân Diện - Dương Thọ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)