Thứ ba, 19/07/2022 16:46

Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội

Năng lượng nguyên tử đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh; chọn giống cây trồng, vật nuôi; đánh giá tiềm năng khoáng sản và môi trường; đảm bảo an ninh năng lượng… ở nhiều quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 4 về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục phục phát triển kinh tế - xã hội do Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 15/7/2022 tại Hà Nội.

Nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu - ứng dụng

Số liệu của Cục Năng lượng Nguyên tử cho thấy, trong những năm qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Ứng dụng bức xạ trong y tế tăng nhanh trên cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị; nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa. Đến năm 2021, trên cả nước đã có 42 cơ sở y học hạt nhân phát triển đến tuyến tỉnh, 61 thiết bị xạ hình đạt tỷ lệ khoảng 0,62 máy/1 triệu dân; 44 cơ sở xạ trị với 101 thiết bị xạ trị đạt tỷ lệ 1,1 thiết bị/1 triệu dân; gần 4.000 cơ sở khám chữa bệnh có thiết bị X-quang y tế với 9.000 thiết bị; gần 1.000 máy CT và 500 máy chụp cộng hưởng từ đã được trang bị đến bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện. Sản xuất dược chất phóng xạ y tế từng bước được tự chủ với năng lực sản xuất trong nước đạt 1.000 Ci/năm trên lò phản ứng nghiên cứu và 350 Ci/năm trên 5 hệ thống máy gia tốc. Vai trò này đã được thể hiện rõ trong bối cảnh Covid-19 vừa qua khi việc nhập khẩu dược chất phóng xạ gặp khó khăn do vấn đề chuỗi cung ứng.

Ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã tạo và đưa vào sản xuất 80 giống cây trồng đột biến (chủ yếu là lúa), góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập và sinh kế cho nông dân. Năm 2021, 2 nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) trao giải thưởng tại Cuộc thi về nghiên cứu đột biến giống cây trồng. Chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam có sự phát triển nhanh do việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc… Hiện Việt Nam có 9 cơ sở chiếu xạ quy mô công nghiệp với 16 thiết bị chiếu xạ. Đặc biệt, trong soi chiếu an ninh hải quan, việc sử dụng bức xạ tia X có mức năng lượng lớn phát ra từ các máy gia tốc đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác soi chiếu an ninh hải quan, cho phép kiểm tra chính xác hành lý, hàng hóa xuất nhập cảnh, tiết kiệm thời gian, chi phí kho bãi. Đến nay, có 5 cục hải quan địa phương đã được trang bị tổng số 11 máy soi container.

Trong công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT công nghiệp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí. Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu và chế tạo thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh đã xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của IAEA.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và nộp lưu trữ Bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000, nhiều trạm quan trắc phóng xạ đã được xây dựng tại các mỏ có chứa phóng xạ trên địa bàn các tỉnh/thành phố. Trong công tác dự báo và phòng ngừa thiên tai đã và đang tiến hành quan trắc một số thông số bức xạ tự nhiên tại 14 trạm khí tượng bề mặt, 3 trạm ô zôn - bức xạ cực tím…

Tạo đột phá cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, Chợ Rẫy... đã đủ điều kiện ứng dụng các kỹ thuật cơ bản ở cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị. Trong đó, đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Chẳng hạn, áp dụng thành công kỹ thuật điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ Y-90 tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, việc triển khai kỹ thuật xạ trị áp sát không chỉ điều trị ung thư cổ tử cung mà còn điều trị ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản tại Bệnh viện Bạch Mai… Đặc biệt, trong thời gian bị đại dịch Covid-19, các ứng dụng của lĩnh vực y khoa hạt nhân đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cứu sống hàng vạn bệnh nhân trước nguy cơ thiếu trang thiết bị, phương tiện và nguyên liệu đầu vào trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là các bệnh nhân bị ung thu. Tuy nhiên, GS.TS Mai Trọng Khoa cũng cho rằng, đây là lĩnh vực mới, khó và đặc biệt, hầu hết các thiết bị chẩn đoán và điều trị của cả 3 chuyên ngành điện quang, y học hạt nhân, xạ trị đều rất đắt tiền, Việt Nam chưa tự sản xuất được mà phải nhập từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, đây là một khó khăn, cản trở cho sự phát triển mở rộng của việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong y tế. GS.TS Mai Trọng Khoa đề nghị nhà nước và các bộ/ngành có liên quan cần có cơ chế đặc thù để thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ cho các cơ sở nghiên cứu - triển khai ở trong nước, tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất thuốc, dược chất cho ngành y tế.

GS.TSKH Phan Sỹ An - Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho rằng, cơ sở vật chất của các đơn vị ứng dụng bức xạ y tế hiện còn nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị; đặc biệt, chưa đồng bộ tại các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, huyện. Thậm chí, rất nhiều bệnh viện đã có thiết bị nhưng những thiết bị này đã được sử dụng quá lâu và lạc hậu. Do đó, cần tạo bước đột phá về đầu tư, nhất là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn ODA cho phát triển mạng lưới các cơ sở y tế ứng dụng bức xạ để khám, chữa bệnh. Tăng cường xã hội hóa theo đúng quy định của nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị bức xạ, điện quang. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức, tài chính để thiết lập cơ sở đào tạo chính quy cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học và công nghệ nói chung và lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhờ sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và liên ngành để góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục huy động đóng góp từ các tổ chức khoa học và công nghệ của các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, đặc biệt là IAEA để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Bên cạnh đó, Bộ cũng chuẩn bị ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở để xây dựng, phê duyệt dự toán và quản lý kinh phí quy hoạch và 5 hợp phần quy hoạch. Do vậy, các cơ quan liên quan lập hợp phần quy hoạch thuộc Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt dự toán để sớm phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đóng góp quan trọng và thiết thực cho ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)