Thứ ba, 19/07/2022 14:09

Ứng dụng công nghệ để chia sẻ nguồn lực: Nhìn từ mạng lưới các cơ sở đào tạo luật

TS Đỗ Đức Hồng Hà1, ThS Phạm Thanh Nga2

 

1Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, 2Đại học FPT, Hà Nội

Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nhiều cơ sở đào tạo luật mới đã được thành lập bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo của những cơ sở đào tạo luật truyền thống. Tuy nhiên, nhiều cơ sở luật vẫn thiếu giảng viên và cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy. Vì vậy, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay đã thành lập một mạng lưới1 để hỗ trợ nhau nâng cao chất lượng đào tạo luật tại Việt Nam. Theo đó, mạng lưới này cần triển khai kế hoạch hợp tác trong quy hoạch mạng lưới, giáo trình, giáo án, tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, giáo viên cơ hữu... Chính vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề chia sẻ nguồn lực trong hoạt động đào tạo luật giữa các cơ sở đào tạo luật là hết sức cần thiết để tìm ra giải pháp phù hợp thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo luật tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ sở pháp lý của việc xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo luật

Luật Giáo dục đại học của Việt Nam đã có quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học2. Theo đó, việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực; xây dựng hài hòa hệ thống giáo dục đại học công lập và tư thục; phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; tạo cơ chế hình thành đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế3. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam được thành lập và hoạt động.

Thực trạng chia sẻ nguồn tài liệu luật giữa các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Nội dung hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các cơ sở đào tạo luật bao gồm: mượn liên thư viện; phối hợp bổ sung; xử lý thông tin tập trung; chia sẻ mục lục; chia sẻ dữ liệu thư mục; hợp tác vi phim tài liệu thư viện; phối hợp xây dựng mục lục liên hợp; trao đổi tài liệu; trao đổi chuyên môn và nhân sự. Việc hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam được triển khai thực hiện ở thư viện của các cơ sở đào tạo ngành luật, gồm 6 trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp. Về mô hình hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ thư viện giữa 6 cơ sở đào tạo ngành luật áp dụng mô hình phân tán.

Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác chia sẻ thông tin giữa các thư viện luật là Biên bản ghi nhớ về việc trao đổi, chia sẻ tài liệu. Đây là thoả thuận hợp tác song phương giữa các trường, với các nội dung: (i) trao đổi tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, gồm giáo trình, tạp chí khoa học, các ấn phẩm khác thuộc sở hữu của mỗi trường; (ii) chia sẻ tài liệu nội sinh gồm: khoá luận, luận văn, luận án lưu trữ tại thư viện được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu, giảng dạy, hình thức cung cấp là bản sao; (iii) chia sẻ tài liệu số, cấp quyền truy cập thư viện số cho người làm thư viện, giảng viên, nhà nghiên cứu của mỗi trường có nhu cầu sử dụng tài liệu số.

Tuy nhiên, kết quả của việc chia sẻ dịch vụ thư viện còn hạn chế, ví dụ như số lượt truy cập tài liệu số, số lượt sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu ở mức thấp. Do những vướng mắc về vấn đề bản quyền và bảo mật tài khoản người đọc nên việc chia sẻ tài liệu số được thực hiện thông qua đầu mối là người làm thư viện. Mặc dù nhu cầu sử dụng tài liệu số của độc giả ở các trường rất lớn nhưng do quy định trên buộc họ phải trực tiếp đến thư viện để được phục vụ. Điều này là trở ngại, bất tiện đối với người đọc trong khi hoàn toàn có thể truy cập thư viện số ở mọi lúc, mọi nơi. Công tác truyền thông, marketing về chia sẻ tài liệu và dịch vụ của các thư viện còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa giới thiệu rộng rãi đến các đối tượng để biết và được hướng dẫn sử dụng.

Thực trạng chia sẻ nguồn nhân lực giữa các cơ sở đào tạo luật

Nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng trong các cơ sở đào tạo luật, bao gồm các giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ làm việc trong các cơ sở đó. Việc chia sẻ nguồn nhân lực giữa các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện đã đang được tiến hành. Có thể kể đến một số hoạt động như việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trao đổi nguồn nhân lực giữa các tổ chức và cơ sở đào tạo về luật. Ví dụ như Học viện Tư pháp đã ký kết rất nhiều các thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với nhiều tổ chức đào tạo luật trong cả nước, hợp tác với Đoàn Luật sư một số tỉnh/thành trong cả nước. Học viện này đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trên nhiều mặt trong các hoạt động cụ thể như: hợp tác trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư; hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học; hợp tác trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Năm 2019, trên cơ sở sáng kiến của Trường Đại học Luật Hà Nội, Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã được thành lập nhằm tạo ra cầu nối, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát huy thế mạnh hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu pháp luật4. Trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam thường tổ chức các hội thảo, diễn đàn để các thành viên là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật trong cả nước cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn, xây dựng định hướng phát triển cho cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.

Giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả việc chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Việc hình thành mạng lưới và trao đổi kinh nghiệm, nguồn nhân lực, tài liệu giữa các cơ sở đào tạo đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế áp dụng từ lâu. Các cơ sở ký kết việc hợp tác sản xuất, chia sẻ các học liệu, xây dựng các chương trình đào tạo cơ bản đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của thực tế về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, việc xây dựng websites, tổng hợp dữ liệu danh sách các giảng viên luật theo chuyên ngành với lý lịch khoa học (profile) đầy đủ trên phạm vi toàn quốc cũng là việc nên làm. Đây là cơ sở để mời chuyên gia chất lượng trong các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học cũng như viết giáo trình, tài liệu cho việc giảng dạy và nghiên cứu pháp luật. Hơn nữa, việc xây dựng được cơ sở dữ liệu giảng viên này cũng là nguồn tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho các sinh viên, nghiên cứu sinh lựa chọn giảng viên hướng dẫn viết luận văn, luận án hoặc các cơ sở đào tạo thiếu giảng viên cơ hữu có thể tiếp cận và liên hệ mời giảng viên thỉnh giảng phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tiến hành các chương trình trao đổi học tập quốc tế (exchange program) để sinh viên Việt Nam có thể đến trường luật của các quốc gia khác học tập, nghiên cứu, thăm quan ngắn hạn hoặc mời các giảng viên giỏi của các cơ sở đào tạo luật nước ngoài tới Việt Nam thỉnh giảng ngắn hạn trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế. Đây là việc mà một số cơ sở đào tạo luật lớn ở Việt Nam đã áp dụng khá thành công trong mấy năm gần đây, cần tiếp tục nhân rộng để thực hiện trong toàn bộ mạng lưới cơ sở đào tạo luật trong cả nước. Các cơ sở đào tạo luật lớn có thể hỗ trợ các cơ sở mới có quy mô nhỏ thực hiện việc này thông qua việc hợp tác, trao đổi sinh viên, diễn đàn, hội thảo, tập huấn ngắn hạn.

Đối với việc hợp tác tài nguyên dữ liệu luật, mở rộng điểm truy cập thư viện số: cấp tài khoản cho độc giả có nhu cầu. Các thư viện có thể thu phí, có chính sách ưu đãi đối với người đọc thuộc các thư viện tham gia chia sẻ tài nguyên thông tin. Cấp thẻ thư viện, tổ chức phục vụ người đọc có nhu cầu sử dụng thư viện luật đối với các thư viện trên cùng địa bàn, cung cấp dịch vụ mượn liên thư viện, dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu đối với độc giả của các thư viện có khoảng cách xa về địa lý. Chia sẻ mục lục thư viện, kết nối mục lục truy cập công cộng trực tuyến (OPAC) thông qua việc ứng dụng giao thức Z39.50, tích hợp trên cổng thông tin của mỗi thư viện giúp người đọc có thể tra cứu tài liệu một cách dễ dàng, thuận tiện. Chỉ cần sử dụng một lệnh tìm duy nhất, người đọc có thể tra cứu tài liệu của tất cả các thư viện đã kết nối thay vì phải truy cập vào trang web của từng thư viện để tìm tài liệu. Chia sẻ dữ liệu thư mục giữa các cơ sở đào tạo luật, sử dụng biên mục sao chép giữa các thư viện luật nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho việc xử lý tài liệu, chuẩn hoá công tác biên mục. Phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm công tác và các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ người làm thư viện luật. Tăng cường công tác truyền thông marketing để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ liên kết, chia sẻ giữa các thư viện tới đông đảo bạn đọc tại mỗi thư viện pháp luật.

Kết luận

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào việc chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo luật ở các trường đại học. Từ mô hình hợp tác và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chia sẻ nguồn lực của mạng lưới các cơ sở đào tạo luật, các trường đại học khác trong cả nước có thể làm theo để xây dựng một cơ sở dữ liệu về giảng viên, sinh viên và kiến thức chuyên ngành và khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên tri thức này trong quá trình giảng dạy và học tập.

 

1 Xem http://vlsn.edu.vn.

2 Xem Điều 11 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.

3 khoản 6 Điều 1 Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018.

 

4 Báo cáo tổng kết hoạt động Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam (2019-2021).

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)