Vị trí, vai trò của chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử
Chức năng, nhiệm vụ chính của tạp chí KH là công bố những sản phẩm nghiên cứu thuộc lĩnh vực KH đặc thù của mỗi tạp chí. Vì vậy, chuyên mục nghiên cứu KH sẽ phải là chuyên mục chính, đóng vai trò nòng cốt và có vị trí quan trọng hàng đầu trên tạp chí KH điện tử. Đây là chuyên mục đăng tải những bài viết là sản phẩm nghiên cứu mới về lĩnh vực KH nhất định của các học giả ở trong và ngoài nước, góp phần phổ biến tri thức, nâng cao dân trí, đồng thời quảng bá rộng rãi những thành tựu nghiên cứu KH của Việt Nam ra khu vực và thế giới. Chất lượng của chuyên mục nghiên cứu KH, nói chính xác hơn là chất lượng của các bài viết được đăng tải trong chuyên mục nghiên cứu KH sẽ quyết định chất lượng, thương hiệu, uy tín KH của toàn bộ tạp chí KH.
Thông qua các chức năng tiện ích, các bài viết trong chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử có thể được liên kết với các hệ thống thư viện, tạp chí KH khác, hoặc được chia sẻ lên các mạng xã hội. Điều đó sẽ giúp cho các bài báo được đăng tải trên tạp chí KH điện tử được cập nhật, lan tỏa nhanh nhất tới bạn đọc ở cả trong và ngoài nước.
Cũng thông qua các chức năng tiện ích, chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử còn tạo được mối liên kết đa chiều giữa tác giả, tòa soạn, độc giả và giới nghiên cứu KH, là cầu nối giữa tạp chí với cộng đồng KH. Độc giả có thể đưa ra bình luận, đánh giá về bài viết được đăng tải ở ô "Bình luận" ngay bên dưới bài viết đó, trên cùng một giao diện; hoặc có thể đưa ra ý kiến trao đổi về bài viết đó ở mục diễn đàn KH. Điều này giúp cho các ý kiến phản biện, góp ý, bình luận của cộng đồng KH nhanh chóng tới toà soạn và tới tác giả bài viết. Qua đó, xây dựng một môi trường học thuật có chất lượng, giàu tính phát hiện, phản biện. Chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử cũng giúp độc giả dễ dàng tiếp cận với các bài viết cùng chủ đề khi truy cập vào từng ô mục con; hoặc kích chuột vào các từ khóa ở ô "Tags" dưới bài viết. Thông qua các công cụ được tích hợp, chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử giúp toà soạn đo lường được tính hiệu quả, chất lượng của các nội dung KH được đăng tải.
Cấu trúc nội dung chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử
Về cấu trúc nội dung chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử, chúng tôi đề xuất một số tiêu chí sau:
Một là, sắp xếp theo ngành nghiên cứu: 1) KH xã hội (Chính trị học, Địa lý học, Giáo dục học, Kinh tế học, Khảo cổ học, KH an ninh, KH môi trường, KH quản lý, KH quân sự, Luật học, Ngôn ngữ học, Quốc tế học, Sử học, Tâm lý học, Thư viện học, Thông tin học, Tôn giáo học, Triết học, Văn học, Văn hóa học, Xã hội học...); 2) KH tự nhiên (Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học, Nông học, Lâm học, Công nghệ sinh học, KH môi trường, Khí tượng thủy văn, Địa lý học, Công nghệ hạt nhân, Công nghệ sinh học...).
Hai là, sắp xếp theo Hội đồng Giáo sư nhà nước (2021): 1) KH xã hội (Triết học - Xã hội học - Chính trị học, Kinh tế, Luật học, Giáo dục học, Tâm lý học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Văn học, Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao, KH An ninh, KH Quân sự); 2) KH tự nhiên (Toán học, Vật lý, Hóa học - Công nghệ thực phẩm, Sinh học, Cơ học, Cơ khí - Động lực, Công nghệ thông tin, Dược học, Điện - Điện Tử - Tự động hóa, Chăn nuôi, thú y, thủy sản, Giao thông vận tải, KH trái đất - Mỏ, Luyện kim, Nông nghiệp - Lâm nghiệp, Thủy lợi, Xây dựng - Kiến trúc, Y học).
Ba là, sắp xếp theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 4/9/2008 ban hành một số bảng phân loại thống kê KH và công nghệ: 1) KH tự nhiên; 2) KH kỹ thuật và công nghệ; 3) KH y, dược; 4) KH nông nghiệp; 5) KH xã hội; 6) KH nhân văn.
Trên thực tế, việc cấu trúc chuyên mục nghiên cứu KH trên các tạp chí KH điện tử không hoàn toàn tuân theo các tiêu chí trên mà có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tiễn của tạp chí.
Những vấn đề đặt ra đối với cấu trúc nội dung chuyên mục nghiên cứu KH trên tạp chí KH điện tử
Hiện nay, có 2 xu hướng chủ yếu trong việc xây dựng tạp chí KH điện tử: một là, các tạp chí chỉ đăng các bài nghiên cứu KH định kỳ theo số tạp chí cũng giống như tạp chí in, chỉ khác là hình thức xuất bản điện tử; hai là, các tạp chí có 2 mảng nội dung chính, gồm: Thông tin KH và Nghiên cứu KH. Khi lựa chọn xu hướng thứ nhất, thì các chuyên mục nghiên cứu KH được sắp xếp ngay ở mục lục của số tạp chí hoặc các bài viết không chia mục theo các tiêu chí. Ở xu hướng thứ hai, có thể coi các hạng mục nội dung chính là phần "ruột", "lõi" bên trong, tạo nên hình hài và đảm bảo cho sự tồn tại của Tạp chí, trong đó bao gồm những hạng mục nội dung lớn - nhỏ được thiết kế một cách KH để phù hợp với mục đích, chức năng thông tin. Cụ thể là, các hạng mục nội dung của Tạp chí sẽ được phân chia thành từng ô mục có chức năng thông tin riêng, mỗi ô mục lại tiếp tục được bố trí, sắp xếp theo một trật tự tầng bậc, lớp lang, từ lớn đến nhỏ và chúng liên kết với nhau để tạo thành một mạch kết cấu chặt chẽ. Các chuyên mục/mục cái được hiển thị trên thanh đầu mục. Các chuyên mục/mục cái được phân chia dựa theo chức năng thông tin. Trong mỗi chuyên mục/mục cái có thể chứa các ô mục con có cùng chức năng thông tin. Từ các chuyên mục/mục cái, tiếp tục được cơ cấu thành các ô mục con. Mỗi ô mục con chứa nhóm tin, bài thuộc cùng chuyên ngành hoặc có cùng chủ đề hay tính chất nội dung thông tin. Chẳng hạn, chuyên mục nghiên cứu KH của tạp chí KH lĩnh vực xã hội và nhân văn có thể gồm các ô mục con như: Triết học, Xã hội học, Kinh tế học, Chính trị - An ninh - Quốc phòng, KH quản lý và pháp luật, Sử học - Dân tộc học - Nhân học - Khảo cổ học, Văn hóa - Tôn giáo - Văn học - Ngôn ngữ học, Địa lý - Môi trường...
Việc thiết lập các ô mục con trong chuyên mục nghiên cứu KH (gọi là chuyên mục cái) có thể dựa trên các tiêu chí như: theo ngành nghiên cứu, theo quy định của Hội đồng Giáo sư nhà nước, theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên dù lựa chọn theo tiêu chí nào thì việc phân chia và thiết lập các ô mục con của chuyên mục nghiên cứu KH cần đảm bảo các yếu tố sau: (1) Đảm bảo tính KH trong việc định danh các chuyên mục con; (2) Đảm bảo số lượng các chuyên mục con phù hợp với diện tích hiển thị trên giao diện của Tạp chí KH điện tử (việc liệt kê quá nhiều chuyên mục con sẽ dẫn đến khó bố trí sắp xếp về mặt hiển thị trên giao diện); (3) Đảm bảo được tính bao quát, tính mở, tính liên ngành của chuyên mục để các bài nghiên cứu phù hợp với chuyên mục khi được đăng tải: chẳng hạn nếu tên chuyên mục con là Chính trị học (có thể bao quát được các lĩnh vực như: triết học, KH quản lý, KH an ninh, KH quân sự, ngoại giao...); (4) Đảm bảo tính thuận tiện, chính xác, hiệu quả khi tính điểm KH cho bài viết trong chuyên mục con; (5) Đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm trên môi trường internet (nếu các bài nghiên cứu có phân loại ngành phù hợp với chuyên mục con thì việc tìm kiếm các bài viết cũng sẽ được tối ưu trên thanh công cụ tìm kiếm).
*Bài viết này là sản phẩm nghiên cứu thuộc đề tài cấp Bộ: “Xây dựng cấu trúc nội dung Tạp chí KH xã hội Việt Nam điện tử”, theo Hợp đồng KH số: 32/HĐKH-KHXH của Viện Hàn lâm KH xã hội Việt Nam, ngày 28/5/2021.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2008), Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 4/9/2008 ban hành một số bảng phân loại thống kê KH và công nghệ.
2. Hội đồng Giáo sư nhà nước (2021), Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN ngày 08/11/2021 phê duyệt Danh mục tạp chí KH được tính điểm năm 2021.