Thứ tư, 29/06/2022 14:02

Cải cách tư pháp ở nước ta trong tình hình mới

Đây là chủ đề buổi tọa đàm và giao lưu của đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vào ngày 28/6/2022 tại giảng đường của Khoa Luật. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ sự cảm ơn và vinh dự khi PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, người đã có một thời gian dài nghiên cứu, tích lũy về lĩnh vực tư pháp và đặc biệt trên cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án đã đến giao lưu với các cán bộ, sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN. Ông cũng cho biết, ĐHQGHN sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, nhà khoa học của Khoa Luật thực hiện các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học về các vấn đề thời sự của luật học và pháp luật Việt Nam, thể hiện trách nhiệm xã hội, vai trò dẫn dắt, định hướng của Khoa đối với nền khoa học pháp lý của quốc gia.

Tại buổi tọa đàm và giao lưu, đồng chí Nguyễn Hòa Bình bày tỏ, trong những năm gần đây, công cuộc cải cách tư pháp luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Thời gian qua, công cuộc cải cách tư pháp đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, từng bước hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của cơ quan công quyền, cụ thể đã đưa vào các nguyên tắc tư pháp rất tiến bộ, lần đầu tiên được hiến định và dựa trên Hiến pháp ban hành trên 70 luật về tư pháp; hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ quan tư pháp; xây dựng đội ngũ chức danh tư pháp; hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của cơ quan tư pháp; hợp tác quốc tế; giám sát của cơ quan dân cử...

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng giới thiệu về Chiến lược cải cách tư pháp thời gian tới và một số vấn đề đặt ra. Yêu cầu cải cách tư pháp cần đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới như: tình hình vi phạm, tội phạm ngày càng gia tăng, phức tạp, nghiêm trọng hơn; trình độ dân trí ngày càng cao; nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ đòi hỏi sự thay đổi trong tư pháp; phải đưa vào và áp dụng các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, tăng cường minh bạch, nâng cao năng lực Tòa án; chuẩn bị các khung khổ pháp lý, đào tạo cán bộ tư pháp đáp ứng giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Vì lẽ tất yếu, nhu cầu nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, người học, đặc biệt là ngành luật, vì trước hết chính là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực hành nghề luật đóng vai trò chính trong công cuộc này. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng đã giải đáp thông tin, chi tiết các câu hỏi của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN.

Sinh Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)