Phát biểu tại phiên họp, Tổng biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh, kiêm Trưởng Ban tổ chức cho biết, Diễn đàn ESG Việt Nam lần đầu tiên tổ chức vào năm 2024 đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên môn. Năm nay, Ban tổ chức mong muốn tiếp tục phát triển Diễn đàn theo chiều sâu, trong đó có chuỗi hội thảo chuyên đề, các sự kiện vệ tinh và đặc biệt là lễ trao giải Vietnam ESG Awards 2025. Để làm được điều đó, Ban tổ chức rất cần sự tư vấn và đóng góp ý kiến từ Hội đồng cấp cao để xây dựng nội dung phù hợp, sát thực tiễn.

Thành viên Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 chụp ảnh lưu niệm (nguồn: Dân trí).
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã có nhiều đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung Diễn đàn ESG Việt Nam 2025, định hướng chủ đề các hội thảo chuyên đề, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản trị ESG, cũng như thúc đẩy vai trò của chính sách và thể chế trong phát triển bền vững. Cụ thể:
PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đánh giá cao những chủ đề hội thảo dự kiến và đề xuất nên kết nối với những doanh nghiệp đang đi đầu trong ứng AI vào hoạt động quản trị và vận hành, vì đây là những mô hình tiêu biểu phù hợp với định hướng của Diễn đàn.
TS Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture cho rằng, nên làm rõ khái niệm “quản trị ESG bằng công nghệ”, đồng thời phân tích cụ thể các giải pháp công nghệ phù hợp với từng trụ cột ESG để tạo tính ứng dụng cao cho các hội thảo vệ tinh.
TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân) đề nghị mở rộng phạm vi thảo luận từ góc nhìn doanh nghiệp sang cả chính sách cấp quốc gia. Ông cho rằng, ESG không chỉ là công cụ vận hành nội bộ mà còn có thể trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Việc mở rộng góc nhìn sẽ giúp tạo kết nối giữa doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách, từ đó thúc đẩy thể chế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Ở góc độ quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Tài chính bền vững của EuroCham Giando Zappia cho rằng, các hội thảo nên được thiết kế theo từng ngành cụ thể như năng lượng, hóa chất, nông nghiệp, dịch vụ... Điều này giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận giải pháp ESG phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời tăng hiệu quả quản trị rủi ro.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến các chính sách quốc tế có tác động đến ESG. Ông đề xuất, mở rộng thành phần tham gia các hội thảo, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước, tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp nước ngoài để tăng tính lan tỏa và cơ hội học hỏi.
PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nhận thức về ESG trong xã hội hiện nay vẫn còn hạn chế. Ông đề xuất, tổ chức các chương trình đào tạo phổ cập kiến thức ESG theo mô hình “bình dân học vụ số” và cam kết Nhà trường sẵn sàng đồng hành trong công tác đào tạo này.
Kết thúc phiên họp, Tổng Biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh ghi nhận các ý kiến đóng góp chất lượng, mang tính chuyên môn cao. Ban tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 sẽ phân tích, tổng hợp để xây dựng nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và những người quan tâm đến ESG trong nước và quốc tế.
TXB