Trải qua 18 tháng thực hiện (12/2020-5/2022), nhóm nghiên cứu đã tiếp nhận 2 quy trình, cụ thể: quy trình nhân giống Bò khai tại Vườn ươm và quy trình trồng Bò khai thương phẩm tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Nghiệm thu mô hình tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Với quy trình nhân giống Bò khai, nhóm nghiên cứu phối hợp với đơn vị chuyển giao tiến hành nhân giống 2 đợt. đợt 1 gồm 2.800 hom, thu được 1.022 hom giống, đạt tỷ lệ sống 36,5%. đợt 2 gồm 1.800 hom, thu được 1.130 hom giống, tỷ lệ sống đạt 62,8%. Như vậy, trong 2 đợt nhân giống, nhóm nghiên cứu thu được 2.152 hom giống đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sống trung bình đạt 54,6%, số rễ trung bình 4,75 rễ/hom, chiều dài rễ trung bình 2,65 cm, chiều dài chồi trung bình đạt 11,5 cm.
Quy trình trồng Bò khai thương phẩm với số hom giống đạt tiêu chuẩn đã được thực hiện trên diện tích 3.000 m2; kích thước hố trồng là 40x40x40 cm; mỗi hố cách nhau 1 m, hàng cách hàng 1,5 m. Sau 1 năm, số cây sống là 2.098 cây, đạt tỷ lệ 97,5%. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình 12 chồi/cây, chiều dài chồi trung bình đạt 65,9 cm và bắt đầu cho thu hoạch.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 60 lượt người nắm vững các quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Bò Khai.
Với thành công của mô hình, Vườn Quốc gia Cát Bà là nơi đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng ứng dụng thành công quy trình kỹ thuật nhân giống Bò khai bằng phương pháp giâm hom và đưa ra trồng thương phẩm, góp phần khôi phục và bảo vệ nguồn gen những loài thực vật bản địa có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên.
Đoàn Khải & Vũ Đắc Việt