Đổi mới công tác quản lý, tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu
Dưới sự quan tâm của ĐHQGHN và sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu với những chính sách hỗ trợ, Nhà trường đã thu hút được nguồn lực KH&CN từ các quỹ, đề tài các cấp để nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mặt khác, nhằm nâng cao vị thế và thương hiệu, Trường đã tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp, đóng góp nhiều hoạt động cho cộng đồng khoa học, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng kết nối doanh nghiệp - trường đại học.
Đến nay, hệ thống tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học được kiện toàn với các nhóm nghiên cứu mạnh, tiềm năng cùng với hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu và các sản phẩm nghiên cứu tập trung hai nhóm chính trong tương lai là sản phẩm học thuật và sản phẩm gắn với chuyển giao.
Trong công tác quản lý, Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho các cán bộ, nhà khoa học có môi trường thuận lợi nhất để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2021, Nhà trường đã ban hành Quy định về quản lý đề tài KH&CN cấp cơ sở. Từ đó, công tác quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần mang lại thành công nhất định trong các hoạt động KH&CN. Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cán bộ, nhà khoa học có môi trường thuận lợi nhất để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Với những tiềm lực và tiềm năng trong KH&CN, các cán bộ Trường ĐHCN tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ KH&CN hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn như Tập đoàn Toshiba, Công ty GAIO, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) và dự án LASER PULSE do USAID tài trợ… Để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ, năm 2021, ngoài 10 đề tài nghiên cứu khoa học theo nguồn kinh phí thường xuyên KH&CN, Nhà trường đã thực hiện giao mới 20 đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn thu học phí.
Bên cạnh việc thực hiện các thủ tục đăng ký mới các đề tài, Nhà trường đã sát sao, phối hợp với các chủ trì đề tài và cơ quan quản lý để theo dõi, giám sát việc thực hiện các đề tài đã ký. Đối với các đề tài KH&CN cấp quốc gia, Nhà trường đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở và hỗ trợ chủ nhiệm đề tài tiến hành nghiệm thu cấp nhà nước. Đối với các đề tài đang trong quá trình thực hiện, Nhà trường đã tổ chức Tổ kiểm tra tiến độ cấp cơ sở đối với 06 đề tài cấp nhà nước và thực hiện các thủ tục đấu thầu đối với 5 gói thầu cho các đề tài cấp nhà nước. Nhà trường đã hỗ trợ với các chủ trì đề tài hoàn thiện thuyết minh và hồ sơ để ký mới, 9 đề tài cấp ĐHQGHN, 2 đề tài nghị định thư.
Năm 2021, Nhà trường thực hiện 8 đề tài/dự án với các doanh nghiệp, đặc biệt là các đề tài/dự án hợp tác với Tập đoàn VinGroup có giá trị lớn và chất lượng sản phẩm cao như bài báo đăng trên tạp chí Q1, A2 và các đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Ngoài ra, các đề tài hợp tác khác cũng được đối tác đánh giá đạt kết quả cao như đề tài hợp tác với Công ty TNHH Phần mềm FPT.
Tăng trưởng về số lượng và chất lượng công bố
Việc thu hút được lượng kinh phí lớn từ các đề tài, dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, nhà khoa học phát triển nghiên cứu và cho ra những công bố, công trình khoa học có chất lượng cao. Năm 2021, tổng số bài báo khoa học được công bố của Nhà trường là 270 bài báo, trong đó có 157 bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Trong đó, công trình khoa học do GS.TS Hoàng Nam Nhật - Trưởng nhóm nghiên cứu có công bố trên tạp chí Nature Communications thuộc hệ thống Nature Index; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng giao thông lọt top 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021 (theo công bố của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ) với 25 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc hệ thống Web of Science/Scopus; nhóm PGS.TS Lê Sỹ Vinh, TS Hoàng Thị Điệp - Khoa Công nghệ thông tin có 01 công trình đoạt giải thưởng KH&CN cấp ĐHQGHN; TS Dương Tuấn Mạnh - Bộ môn Công nghệ xây dựng giao thông là tác giả của 02 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc nhóm 5% tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực tương ứng; ThS Lê Trung Thành tác giả chính của 04 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc hệ thống Web of Science/Scopus, trong đó có 02 bài báo công bố trên tạp chí thuộc nhóm 5% tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực tương ứng; TS Dương Việt Dũng - Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, tác giả của 03 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc nhóm 5% tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực tương ứng, PGS.TS Nguyễn Linh Trung, tác giả của 03 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc nhóm 5% tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực tương ứng.
GS.TS Hoàng Nam Nhật (bên phải) - Trưởng nhóm nghiên cứu công trình “Unusual hydrogen implanted gold with lattice contraction at increased hydrogen content” được đăng trên Tạp chí Nature.
Năm 2021, Trường cũng rà soát 38 sản phẩm khoa học có khả năng chuyển giao được đưa vào số hóa theo danh mục của ĐHQGHN; tổ chức thành công 2 hội nghị/hội thảo khoa học quốc tế, 1 hội nghị khoa học quốc gia (ICEMA6, IEER, REV-ECIT), tham gia triển lãm VietNam Expo do ĐHQGHN tổ chức tại Hòa Lạc. Nhà trường có 02 nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư được Bộ KH&CN phê duyệt, gồm đề tài “Phát triển hệ thống phát hiện protein NSE để chẩn đoán ung thư phổi dựa trên kỹ thuật tập trung kênh nano lỏng kết hợp cảm biến trở kháng” của PGS.TS Bùi Thanh Tùng; đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khôi phục mô hình 3D các di sản văn hoá của Việt Nam và Hàn Quốc” của PGS.TS Lê Thanh Hà.
Gia tăng vượt bậc về sở hữu trí tuệ
Các hoạt động liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu được Nhà trường chú trọng. Ngoài việc ban hành Quy định về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN theo hướng động viên, khuyến khích cán bộ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ bằng các hình thức như nộp lệ phí đăng ký và chính sách thưởng tiền khi đăng ký bảo hộ thành công, Nhà trường còn hỗ trợ cán bộ trong việc liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực viết mô tả đăng ký bảo hộ, hỗ trợ công tác chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký. Việc đẩy mạnh công tác quản lý tài sản trí tuệ cũng như hỗ trợ cán bộ trong việc đăng ký xác lập tài sản trí tuệ đã đem lại kết quả tốt. Năm 2021, Nhà trường đã có 17 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận và hỗ trợ các tác giả viết bản mô tả và nộp lệ phí đăng ký. Ngoài ra, Nhà trường còn nộp lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng cho 2 bằng sáng chế được cấp năm 2020.
Tăng cường tiềm lực cho hoạt động KH&CN
Trong năm 2021, Trường đã tiếp nhận bàn giao thiết bị dự án: "Tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo ngành công nghệ hàng không vũ trụ của Trường ĐHCN” - modul Công nghệ nông nghiệp và “Phòng thí nghiệm Vật liệu tiên tiến chống chịu điều kiện khắc nghiệt”. Sau khi tiếp nhận, các thiết bị được triển khai lắp đặt tại Hòa Lạc phục vụ cho ngành Công nghệ nông nghiệp và Xây dựng giao thông. Trường cũng phối hợp với Ban Quản lý các dự án hoàn thành hạng mục trại thực nghiệm để đưa thiết bị vào hoạt động hiệu quả. Để đầu tư thiết bị cho các ngành mới mở, nhà Trường hoàn thành đề xuất dự án “Đầu tư tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn an ninh thông tin tại Trường ĐHCN” cấp cơ sở và gửi Ban Quản lý các dự án; triển khai xây dựng thuyết minh dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành liên ngành về công nghệ kỹ thuật và Robot thông minh”. Bên cạnh đó, Trường phối hợp với Ban Quản lý các dự án hoàn thành điều chỉnh dự án “Nâng cao năng lực Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ micro-nano”. Đối với Dự án này, Ban Quản lý các dự án đã tổ chức đấu thầu trong tháng 12 năm 2021 và dự kiến bàn giao thiết bị cho Trường trong quý II năm 2022. Cũng trong năm 2021, Nhà trường đã thực hiện báo cáo hiệu quả đầu tư 10 dự án được thụ hưởng trong giai đoạn 10 năm (2011-2021) theo chỉ đạo của ĐHQGHN.
UET