Cung không đủ cầu
Cùng với sự phát triển ngành dệt may trong may mặc, các sản phẩm dệt may chuyên dụng ngày càng được phát triển, trong đó có các sản phẩm quần áo chống cháy cho lực lượng cứu hỏa. Các trang phục chống cháy trên thị trường hầu hết đều phải nhập ngoại. Theo ước tính nhu cầu vải chống cháy cần khoảng trên 200.000 m2 vải/năm. Đây là nhu cầu vải chỉ tính riêng cho may các loại quần áo bảo vệ chống cháy, ngoài ra nó còn mở ra hướng ứng dụng vải có tính bền nhiệt cao cho một số lĩnh vực khác như bảo hộ lao động cho đối tượng tiếp xúc nhiệt độ cao, làm việc trong nhà máy luyện kim, hàn, cơ khí, hóa chất...
Ông Phạm Xuân Trình - Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu nhiều vải chống cháy là do trong nước chưa sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, do vậy nhiều doanh nghiệp phải nhập mua về để sản xuất đồ bảo hộ lao động. Thực tế, tiềm năng thị trường vải chống cháy rất lớn bởi nhu cầu sử dụng cấp thiết sản phẩm chống cháy có ở trong nhiều lĩnh vực, hoạt động và đời sống. Theo Giám đốc Phạm Xuân Trình, tiềm năng thị trường về vải chống cháy hiện rất lớn bởi thực tế việc sử dụng đồ bảo hộ lao động chống cháy chưa thực sự nghiêm ngặt. Trong khi đó, trường hợp nếu xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn về người và của, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Thậm chí, có những doanh nghiệp sau hỏa hoạn đã bị phá sản vì thiệt hại quá nặng nề về tài sản. Để góp phần giảm thiểu những thiệt hại này, nhiều công ty và tổ chức đã nghiên cứu vật liệu chống cháy như tấm vách, tấm cách nhiệt, vải phủ, quần áo bảo hộ và gia dụng… bằng nhiều phương thức khác nhau như vật liệu chịu nhiệt, hóa chất chịu nhiệt… Tuy nhiên, thị trường tới nay vẫn chưa có một sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt làm chủ về công nghệ cũng như sản xuất cung cấp.
Làm chủ công nghệ sản xuất vải bằng công nghệ nano
Trước thực trạng nêu trên, tình trạng cháy nổ do nhiều nguyên nhân tác động đã gây ra nhiều thiệt hại lớn về người và của, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Với tâm huyết và mong muốn đóng góp một phần vào công tác phòng cháy, chữa cháy, Vinatex và Tập đoàn Sơn Kova đã hợp tác nghiên cứu ứng dụng nano chống cháy vào vật liệu chống cháy trong lĩnh vực vải dùng may bảo hộ lao động, tấm phủ, sản phẩm gia dụng…
Sau hơn 2 năm hợp tác nghiên cứu, Vinatex và Tập đoàn Sơn Kova đã sản xuất thành công sản phẩm vải chống cháy bằng công nghệ nano đầu tiên. Đây là loại vải được sản xuất từ sợi meta - aramid và chất chống tĩnh điện trong vật liệu dệt đã được phủ nano (silicat từ vỏ trấu - được thế giới công nhận và đánh giá cao).
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova cho biết, vải được sản xuất từ sợi meta - aramid và chất chống tĩnh điện trong vật liệu dệt đã được phủ Nano (silicat từ vỏ trấu đã được thế giới công nhận và đánh giá cao) để tạo ra vải chống cháy, đây là sản phẩm nano “xanh” nên khi cháy, các hợp chất hữu cơ bay hơi VOC (Volatile Organic Compounds) gần bằng 0… Tính năng vượt trội này giúp bảo vệ người sử dụng không chỉ hạn chế những thiệt hại do đám cháy gây ra mà còn không bị ngạt bởi khói độc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Thành phần của vải chống cháy có đến 49% meta aramid 49% modal 2% anti static, sợi chịu được nhiệt độ 370-450°C. Qua nhiều lần thử nghiệm, vải chống cháy Vinatex - Kova đã đạt được các tiêu chuẩn chống cháy của Mỹ và Đức. Bên cạnh đó, vải chống cháy Vinatex - Kova được sản xuất trong nước có giá rẻ hơn 15-20% so với vải chống cháy nhập khẩu.
Thị trường quần áo từ vải chống cháy trên thế giới dự kiến tăng từ 3,25 tỷ USD năm 2020 lên 5,11 tỷ USD năm 2027. Với một số đặc tính vượt trội khác so với các loại vải trên thị trường, sản phẩm vải chống cháy Vinatex - Kova là một sáng tạo về kỹ thuật công nghệ cao do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Loại vải này được dùng may quần áo bảo hộ cho nhiều ngành như: dầu khí, xăng dầu, khai thác mỏ, hóa chất…; đồng thời sử dụng cho các sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như: rèm cửa, bọc sofa, bàn để là quần áo, tạp dề nấu ăn, tủ vải quần áo, bạt che xe trùm phủ kiot…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong quý I/2022 có sự phục hồi mạnh mẽ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng bằng các giải pháp linh hoạt, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những bước phát triển vững vàng, tiếp tục đạt kết quả xuất khẩu cao. Theo đó, quý I/2022 tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 8,837 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Với những kết quả đã đạt được trong quý I/2022, ngành dệt may Việt Nam đang tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD. Đặc biệt, với việc liên kết sản xuất thành công vải chống cháy, đây sẽ là mặt mũi nhọn chiến lược để Vinatex có thêm thị trường, sản phẩm mới và tạo ra sự phát triển bền vững hơn, cân bằng hơn giữa các nhóm sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Nguyễn Vũ Nam