Thứ hai, 16/05/2022 08:07

Đánh thức tiềm năng kinh tế, khoa học của rong biển Việt Nam

Rong biển là nhóm thực vật thuỷ sinh bậc thấp sống ở biển và vùng ven biển, có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái biển và với đời sống của con người. Tại Việt Nam, nghiên cứu về rong biển được thực hiện từ khá sớm song vẫn còn những hạn chế nhất định như: phạm vi nghiên cứu rộng nhưng vẫn chưa bao quát được hầu hết vùng biển Việt Nam, đặc biệt là các vùng biển đảo xa, vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc; công tác điều tra, nghiên cứu về rong biển không được thực hiện liên tục, chưa có một công trình nghiên cứu đúng nghĩa chuyên về rong biển... Xuất phát từ thực tế này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt và giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, mã số KC.09.05/16-20*. Kết quả của đề tài không chỉ mang lại những đóng góp mới về mặt khoa học mà còn góp phần quan trọng vào việc phát huy và nâng cao giá trị kinh tế của rong biển Việt Nam.

Những đóng góp mới về khoa học

Địa điểm nghiên cứu của Đề tài KC.09.05/16-20 là vùng biển ven 10 đảo tiền tiêu đại diện từ Bắc vào Nam, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Khu vực tập trung nghiên cứu là các hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái vùng ven đảo nơi có rong biển phân bố. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 375 loài và dưới loài thuộc 135 chi, 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong tại vùng biển ven 10 đảo tiền tiêu. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất với 193 loài; tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) với 94 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) với 72 loài; thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanophyta) với 16 loài được xác định. Kết quả nghiên cứu phát hiện được 6 loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng nằm trong danh mục loài cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển ở Việt Nam, trong đó 4 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN) và 2 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU) - bảng 1; Phát hiện bổ sung 4 loài rong biển mới cho Danh mục các loài rong biển Việt Nam (bảng 2). Đặc biệt, thông qua việc thực hiện đề tài, lần đầu tiên xây dựng được Bộ atlas các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam, bộ atlas có giá trị rất lớn trong nghiên cứu, đào tạo, giáo dục cộng đồng; bước đầu sử dụng phương pháp sinh học phân tử trong phân loại các loài rong biển kinh tế tại Việt Nam. 13 gen rong biển đã được cấp mã số trên ngân hàng gen quốc tế (GenBank).

Bảng 1. Các loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe doạ tuyệt chủng.

Stt

Tên khoa học

Tên tiếng Việt

Lý Sơn

Phú Quý

Côn Đảo

Nam Du

Thổ Chu

Mức độ đe doạ

1

Hydropuntia eucheumatoides (Harvey) Gurgel & Fredericq, 2004

Rong câu chân vịt

+

+

+

 

 

EN

2

Betaphycus gelatinus (Esper) Doty ex P.C.Silva 1996

Rong hồng vân

+

+

 

 

 

EN

3

Eucheuma arnoldii Weber Bosse, 1928

Rong hồng vân thỏi

 

+

 

 

 

EN

4

Sargassum tenerrimum J.Agardh, 1848

Rong mơ mềm

 

+

 

 

 

EN

5

Sargassum congkinhii Pham-Hoàng Hô, 1967

Rong mơ công kỉnh

+

 

+

 

 

VU

6

Turbinaria decurrens Bory de Saint-Vincent, 1828

Rong loa cùi bắp cạnh

 

 

 

+

+

VU

 

Tổng cộng:

 

3

4

2

1

1

 

 

Ghi chú: EN - Endangered: các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn; VU - Vulnerable: các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn

Bảng 2. Các loài rong biển bổ sung cho danh mục rong biển Việt Nam.

Stt

Mã số mẫu vật

Tên khoa học

Địa điểm thu mẫu

1

LS3.2017

Chondrophycus tronoi (E.Ganzon-Fortes) K.W.Nam, 1999

Lý Sơn (Quảng Ngãi)

2

LV13.3.18

PQ21.5.18

ND17.4.18

Caulacanthus ustulatus (Mertens ex Turner) Kützing, 1843

Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Nam Du (Kiên Giang)

3

CT10.25.18

BLV4.65.18

PQ8.1.18

ND6.5.17

Peyssonnelia boergesenii Weber Bosse, 1916

Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Nam Du (Kiên Giang)

4

CC19.72.18

Platoma cyclocolpum (Montagne) F.Schmitz, 1894

Cồn Cỏ (Quảng Trị)

 

Hiệu quả về kinh tế - xã hội   

Hiện nay, nghề nuôi trồng rong biển ở Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ở khu vực ven biển miền Trung. Tuy nhiên đối với các đảo xa bờ, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, khi mà nhu cầu về rau xanh là rất lớn thì nghề nuôi trồng rong biển tại đây lại chưa phát triển, phần lớn vẫn là thu hái rong biển tự nhiên, sau đó phơi khô, bán cho các đại lý hoặc bán cho các cá nhân thu mua, gom hàng cho các thương lái trong đất liền. Với xu hướng phát triển như vậy sẽ gây ra những tác động rất xấu đến nguồn lợi rong biển tự nhiên. Góp phần khắc phục vấn đề này, đề tài đã triển khai và xây dựng thành công hai mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế đạt hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi trồng rong biển tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Với tiềm năng và nhu cầu thị trường lớn; giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao; rong sinh trưởng phát triển nhanh, trong vòng 30-40 ngày nuôi đối với rong nho biển, 60-75 ngày nuôi đối với rong sụn đã có thể cho thu hoạch; thời gian thu hồi vốn nhanh; chi phí đầu tư thấp; kỹ thuật nuôi đơn giản; dễ áp dụng, ít bênh tật rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng, mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới có khả năng nhân rộng cao tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đề tài đã triển khai và xây dựng thành công hai mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu: 1) Mô hình nuôi trồng rong nho biển (Caulerpa lentillifera) trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và 2) Mô hình nuôi trồng rong sụn (Kappaphycus alvarezii) trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; góp phần chuyển giao công nghệ, phổ biến kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam.

Một mô hình nuôi trồng rong do đề tài thực hiện.

Bên cạnh đó, đề tài đã đánh giá được tiềm năng nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu về các mặt: 1) các giá trị trực tiếp (tiềm năng nguồn nguyên liệu sản xuất keo rong biển, tiềm năng làm thực phẩm, tiềm năng về dược liệu, tiềm năng về nguồn nguyên liệu sinh học); 2) giá trị gián tiếp (khả năng xử lý môi trường hấp thụ khí CO2 của rong biển), đánh giá được khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Đề tài đã xây dựng được bộ giải pháp định hướng phát triển và quản lý nguồn lợi rong biển ở các đảo tiền tiêu, góp phần định hướng quản lý, khai thác, bảo tồn, nuôi trồng, phát triển bền vững nguồn lợi rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Với các kết quả đã đạt được, có thể thấy, đề đã góp phần đưa khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế biển, đảo, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng, chủ quyền của đất nước.

* Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu KH&CN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, mã số: KC.09/16-20.

 

MN

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)