Tiền đề từ chính sách
Kết quả trên có được dựa trên nền tảng của nhiều chính sách quan trọng về SHTT được ban hành trong những năm gần đây. Nổi bật trong đó là Chiến lược SHTT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019. Với quan điểm, hoạt động SHTT cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác TSTT, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ phải thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT.
Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách khác liên quan đến việc thúc đẩy hoạt động tạo dựng, bảo vệ và phát triển TSTT cũng đã được Đảng, Chính phủ ban hành, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra yêu cầu “Hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các TSTT do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền SHTT, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam”; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững quy định: “thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, TSTT cho các sản phẩm được bảo hộ”; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã yêu cầu: “Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác TSTT, công nghệ số, mô hình kinh doanh mới”.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng điểm của Cục SHTT trong công tác hỗ trợ và phát triển TSTT là triển khai Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 68, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình, gồm: Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định quản lý Chương trình; Quyết định số 1792/QĐ-BKHCN ngày 2/7/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực SHTT thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN; Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 9/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình…
Có thể nói, những văn bản nêu trên là những tiền đề quan trọng và kịp thời để Cục SHTT và các đơn vị có căn cứ phối hợp hiệu quả.
Bước tiến mới
Nhằm phổ biến và thực hiện các chủ trương, chính sách nêu trên, Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của Bộ (Tạp chí KH&CN Việt Nam), Đài Truyền hình Hà Nội, Tạp chí Thanh niên… xây dựng và triển khai chuyên mục, tọa đàm về bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các nhóm chủ thể khác nhau. Trong năm 2021, Cục cũng phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện hỗ trợ về SHTT trong khuôn khổ triển khai các nhiệm vụ tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp như trao đổi các nội dung, cơ chế hỗ trợ về SHTT cho doanh nghiệp trong Dự thảo các văn bản do Cục phát triển Doanh nghiệp tham mưu ban hành.
27 dự án về phát triển TSTT đã được Cục SHTT kịp thời trình Lãnh đạo Bộ KH&CN phê duyệt triển khai, trong đó có một số dự án được xác định là cơ sở, nền tảng để các địa phương nhân rộng triển khai trong thời gian tới như tập huấn đào tạo về SHTT cho các cán bộ thuộc hệ thống tư pháp, nhóm dự án bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho sản phẩm đặc thù địa phương gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nhóm dự án bảo hộ, khai thác quyền SHTT phục vụ việc quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, trong khuôn khổ hỗ trợ của Chương trình 68 năm 2021, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận đã trở thành các sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây không chỉ là tấm "giấy thông hành" giúp đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường “khó tính” như Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, mà còn là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến lớn trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Những dấu ấn quan trọng này là thành quả của nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ hỗ trợ phát triển TSTT ở 2 địa phương nêu trên. Thành công này cho thấy, cần tiếp tục đầu tư bài bản cho việc xây dựng, phát triển TSTT ở những nông sản có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Cục SHTT cũng đã chủ trì, tham gia góp ý các Chương trình hành động, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Điều đáng mừng là thông qua các ý kiến góp ý của Cục, nhiều cơ quan, ban, ngành đã lồng ghép, ban hành cơ chế tăng cường bảo hộ, phát triển TSTT trong tổng thể các cơ chế thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Xác định năm 2022 là bản lề cho phát triển kinh tế khi bước vào giai đoạn phục hồi hậu sau đại dịch Covid-19, để thúc đẩy Chương trình 68, Cục SHTT sẽ tập trung: triển khai các nhiệm vụ trọng điểm để tiến tới hoàn thành các mục tiêu Chương trình phân kỳ đến năm 2025; nghiên cứu giải quyết các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến phát triển TSTT ở phạm vi quốc gia như thực thi quyền SHTT trong môi trường số, hỗ trợ kiểm toán TSTT cho doanh ngiệp, đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển TSTT, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
CM