Thứ ba, 11/01/2022 11:03

Chuẩn hóa mô hình xe cấp cứu ngừng tuần hoàn nội viện từ cơ bản (BLS) đến nâng cao (ACLS): từ cơ sở lý luận đến kinh nghiệm triển khai tại Bệnh viện TWQĐ 108

Lưu Quang Minh, Đặng Việt Đức, Ngô Hoài Thu, Trần Thị Thu Cúc

Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Theo một thống kê ở Mỹ năm 2006 trên 4.800 khoa cấp cứu đang hoạt động, có khoảng 6 triệu bệnh nhân được phân loại vào nhóm “cần xử trí ngay lập tức”, nghĩa là cần có sự tiếp cận bởi bác sỹ cấp cứu trong vòng 1 phút từ khi đến viện. Với những trường hợp như vậy, xe đẩy cấp cứu đã trở thành một công cụ cần thiết để hỗ trợ cấp cứu, đặc biệt trong tình huống bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mỗi phút chậm trễ có thể làm giảm 7-10% cơ hội sống còn của người bệnh. Việc tiếp cận kịp thời với máy phá rung, thuốc và thiết bị cấp cứu cần nhanh chóng và thuận tiện, đồng thời các xe cấp cứu phải được trang bị, tổ chức và bảo trì cẩn thận. Bài viết này sẽ mô tả chi tiết cách bố trí, sắp xếp và vận hành xe cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng như đề xuất phương án khả thi và phù hợp nhất với đặc thù của chuyên khoa hồi sức - tim mạch trong nước dựa trên các hướng dẫn của Hội tim mạch Mỹ, Hội Hồi sức châu Âu.

Đề xuất phương án bố trí sắp xếp thuốc và thiết bị trong xe cấp cứu

Nhìn chung, trang thiết bị và thuốc trong xe cấp cứu phụ thuộc vào quy trình của từng bệnh viện với nhóm bệnh nhân đặc thù. Các phác đồ cấp cứu, thuốc và trang thiết bị liên tục được cập nhật và thay đổi theo thời gian, gây khó khăn khi thống nhất cách sắp xếp, bố trí các vật tư trong xe cấp cứu. Dựa trên các y văn quốc tế, nhóm tác giả đề xuất một số phương án sau đây:

Mặt ngoài: trên nắp xe cấp cứu là máy sốc điện phá rung tự động (xe cấp cứu cơ bản - BLS) hoặc máy sốc điện 2 pha (xe cấp cứu nâng cao - ACLS) với các bản cực sốc và các điện cực dán nhiều mục đích (phá rung, chuyển nhịp, tạo nhịp) cho người lớn và trẻ em. Mặt ngoài xe cấp cứu còn có bình oxy nén và danh sách vật tư. Phía sau xe cấp cứu là ván cứng hồi sinh tim phổi và một băng dính Broselow dành cho hồi sức nhi khoa.

Hình 1. Mặt ngoài xe cấp cứu.

Mặt trong xe cấp cứu: bao gồm 5 ngăn kéo với kích thước từ nhỏ đến lớn theo thứ tự từ trên xuống dưới (2 ngăn kéo nhỏ ở trên, 2 ngăn kéo cỡ vừa ở giữa và 1 ngăn kéo lớn dưới cùng). Theo các tài liệu quốc tế, tên của từng ngăn kéo nên được ghi rõ ràng theo thứ tự bảng chữ cái và dán trực tiếp vào mặt trước của ngăn kéo. Nhóm tác giả đề xuất thay đổi thứ tự các ngăn kéo thành CABDE tạo điều kiện ghi nhớ quy trình hồi sinh tim phổi.

Hình 2. Cách sắp xếp các ngăn kéo xe cấp cứu theo thông lệ quốc tế (bên trái) và đề xuất của nhóm tác giả (bên phải).

a. Ngăn kéo 1 (C): thuốc cấp cứu

Ngăn kéo trên cùng của xe cấp cứu có kích thước nhỏ nhất nên được bố trí chứa  các loại thuốc cấp cứu cần thiết. Ngăn kéo C được chia thành nhiều ngăn/hộp nhỏ cho phép sắp xếp các thuốc riêng biệt, dễ nhìn. Ngoài ra, trên mỗi hộp đều được dán nhãn tên thuốc cụ thể. Việc sắp xếp tên thuốc nên được hệ thống hoá, trong đó những thuốc cùng chung mục đích sử dụng nên được để cùng một hàng ngang và những thuốc cần dùng khẩn cấp hơn nên được để ở hàng phía trước/phía ngoài. Để giảm sai sót, các thuốc có tên tương tự nên được đánh dấu rõ ràng và để cách nhau ít nhất 1 ngăn thuốc.

* Với xe cấp cứu cơ bản (BLS):

Hình 3. Danh mục thuốc và cách sắp xếp ngăn kéo 1 (C) của xe cấp cứu cơ bản.

* Với xe cấp cứu nâng cao (ACLS): vì số lượng thuốc nhiều hơn nên việc sắp xếp cần theo nhóm thuốc. Với Khoa Hồi sức tim mạch, nhóm tác giả khuyến cáo:

- Hàng đầu tiên của ngăn kéo thứ nhất chứa tất cả các loại thuốc được sử dụng trong cấp cứu ngừng tuần hoàn (adrenalin, amiodaron, lidocain và natri bicarbonate). Vasopressin đã bị loại khỏi hướng dẫn ACLS của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) từ năm 2015 do thiếu các bằng chứng có lợi.

- Hàng thứ hai chứa các thuốc an thần, giãn cơ phục vụ đặt nội khí quản và atropin để cấp cứu nhịp chậm. Lưu ý rằng, một số loại thuốc nhất định được sử dụng để dẫn mê cần được lưu trữ ở các vị trí được ủy quyền (ví dụ: ketamine). Morphine được ưu tiên dùng trong cấp cứu phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp.

- Hàng thứ ba bao gồm các loại thuốc chủ yếu được sử dụng để cắt cơn nhịp nhanh (adenosin) và bổ sung điện giải như canxi, kali, magne.

- Hàng thứ tư là các thuốc vận mạch như noradrenalin, dobutamin, dopamin. hydrocortisone được đặt ở hàng này, dùng trong trường hợp hạ huyết áp kháng trị và nghi ngờ suy thượng thận cấp.

Bảng 1. Cách sắp xếp thuốc trong ngăn kéo C.

Một số chuyên khoa khác với tính chất đặc thù có thể bố trí thêm các ngăn thuốc: Khoa hô hấp có thể thêm các thuốc giãn phế quản, corticoid; Khoa thần kinh có thể thêm các ngăn chứa các thuốc chống động kinh và thuốc đối kháng opioid (Naloxon)...

b. Ngăn kéo 2 (A): nội khí quản

Ngăn kéo này bao gồm các thiết bị để đặt nội khí quản. Nếu có điều kiện có thể trang bị dụng cụ đo CO2 cuối khi thở ra.

 Hình 4. Cách sắp xếp ngăn kéo A tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

c. Ngăn kéo 3 (B): hỗ trợ thông khí

Đây là ngăn kéo có kích thước to hơn, được bố trí các dụng cụ hỗ trợ thông khí như bóng bóp ambu, túi khí, dây thở và mặt nạ cung cấp oxy, nằm dưới ngăn kéo A đảm bảo tính liên tục, dễ nhớ.

Hình 5. Cách sắp xếp ngăn kéo B tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

d. Ngăn kéo 4 (D): thiết lập đường vào mạch máu

Ngăn này chứa các dụng cụ thiết lập đường truyền vào tĩnh mạch ngoại vi, bao gồm kim luồn tĩnh mạch các cỡ vừa để thiết lập đường vào mạch máu, vừa có thể dùng để giảm áp cấp cứu cho bệnh nhân tràn khí màng phổi áp lực và một số dụng cụ khác như băng dính, bông tẩm cồn, dây ga rô, bơm kim tiêm, mũ và khẩu trang.

Hình 6. Cách sắp xếp ngăn kéo D tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

e. Ngăn kéo 5 (E): vật tư khác

Ngăn thứ 5 chứa các dụng cụ và vật tư lớn, cần thiết cho các thủ thuật đặc biệt theo từng chuyên khoa. Với chuyên ngành tim mạch, ngăn kéo này sẽ bao gồm thêm một số dụng cụ đặc thù: catheter tĩnh mạch trung tâm; catheter động mạch; bộ dụng cụ chọc dò màng tim, dẫn lưu màng phổi, ống nghe tim, găng khám, sonde tiểu, sonde dạ dày.

Một số chuyên khoa khác như hô hấp, sản khoa, chấn thương có thể trang bị thêm bộ dụng cụ đặt đường truyền trong xương; bộ dụng cụ tiểu phẫu; lưỡi dao mổ, chỉ khâu hay dẫn lưu màng phổi; bộ dụng cụ mở ngực; bộ băng cầm máu chấn thương. Nếu có điều kiện, có thể trang bị một nam châm để khởi động lại máy tạo nhịp tim/máy phá rung tim khi gặp trục trặc.

Hình 7. Cách sắp xếp ngăn kéo E tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hình 8. Sử dụng xe cấp cứu ACLS tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Kết luận

Việc xây dựng và chuẩn hóa xe cấp cứu cần phải gắn với mô hình CODE BLUE trong cấp cứu nội viện. Như đã đề cập, mỗi bệnh viện, địa phương sẽ có sự thay đổi khác nhau trong cách thiết kế và bố trí trang thiết bị trong xe cấp cứu, do vậy các hướng dẫn quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng khi các y, bác sỹ cần được đào tạo liên tục và làm quen thường xuyên với xe cấp cứu tại bệnh viện. Việc kiểm tra đảm bảo xe cấp cứu cần được thực hiện tối thiểu hàng ngày bởi người phụ trách chính. Bên cạnh đó, sau mỗi lần sử dụng, toàn bộ thuốc và phụ kiện đều phải được bổ sung ngay lập tức bởi nhân viên có trình độ chuyên môn. Cuối cùng, cần kiểm tra các nội dung trong xe cấp cứu định kỳ hàng tháng, chú ý hạn sử dụng để bổ sung cho phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A.A. Kolkailah, et al. (2014), “Emergency trolleys: available and maintained but are their locations known? - Closing the loop”, European Scientific Journal, 3, pp.31-34.

2. M.H. Hall (1972), “A resuscitation trolley for the emergency and accident department”, Injury, 3(3), pp.203-204.

3. F.B. Haworth (1974), “Accident and emergency resuscitation trolley”, Nurs. Times, 70(19).

4. https://www.medscape.com/viewarticle/830231.

5. Rural and Remote Emergency Services Standardisation Guideline: Resuscitation trolley (2020), https://www.health.qld.gov.au/__data/assets/pdf_file/0026/967031/QH-GDL-962-4.pdf.

6. J. Soar, et al. (2021), “European Resuscitation Council Guidelines 2021: Adult advanced life support”, Resuscitation, 161, pp.115-151.

7. D.J. Magid, et al. (2020), “Evidence evaluation and guidelines development: 2020 American Heart Association Guidelines for cardiopulmonary resuscitation and emergency cardiovascular care”, Circulation, 142(16_suppl_2), pp.358-365.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)