"Điểm sáng" chuyển đổi số trong các sơ sở giáo dục ngành Công Thương
Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong công tác nghiên cứu, dạy và học để bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong số cơ sở giáo dục ngành Công Thương sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã từng bước thay đổi mô hình, phương pháp quản trị toàn diện, ứng dụng những triết lý tiên tiến vào thiết lập và vận hành hệ thống quản lý đi kèm với việc chủ động phát triển và ứng dụng hệ thống phần mềm CNTT. Lãnh đạo nhà trường xác định chuyển đổi số đại học phải bắt nguồn từ việc thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của nhà trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các yếu tố công nghệ và nền tảng CNTT và truyền thông. Theo đó, quá trình chuyển đổi số của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang được vận hành theo lộ trình 6 giai đoạn, từ tin học hóa, kết nối, trực quan hóa, minh bạch hóa, tiên đoán cho đến thích ứng.
PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện tại, Nhà trường đang vận hành hệ thống CNTT gồm 44 máy chủ, 4.082 máy tính, 3.349 thiết bị CNTT và truyền thông, 127 phần mềm ứng dụng các loại được trang bị và khai thác, giúp đảm bảo 100% các hoạt động của Nhà trường được tin học hóa. Đặc biệt, phần lớn các hoạt động của Nhà trường đã thực hiện thành công chuyển đổi số ở mức độ số hóa các quy trình quản lý và tác nghiệp, một số hoạt động đã bước đầu sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo trong xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động quản lý.
Trường Đại học Điện lực cũng là một trong những đơn vị giáo dục ứng dụng tương đối sớm công nghệ vào công tác quản lý. Toàn bộ hệ thống quản lý từ tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thi, quản lý quá trình học tập đều được tích hợp trên một hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường, giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác. Tương tác giữa các đơn vị trong trường, giữa nhà trường với sinh viên… hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống quản lý chung, giúp cho thông tin được kịp thời, hạn chế các giấy tờ không cần thiết đồng thời, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý.
Là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, Trường Đại học Điện lực đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc dạy và học theo hình thức trực tuyến được nhà trường triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Cùng với đó là một thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên. Đặc biệt, năm 2019, Trường Đại học Điện lực còn dẫn đầu cả nước về chỉ số công bố bằng nội lực do hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam - University Performance Metrics (UPM) của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. TS Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ, tới đây Nhà trường đang có kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành ảo áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng việc xây dựng các phòng thực hành, thí nghiệm sẽ giúp công tác đạo tạo của trường đạt được hiệu quả cao hơn, sinh viên có khả năng tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) cũng là một "điểm sáng" trong các cơ sở giáo dục ngành Công Thương trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đối dố. Ban giám hiệu nhà trường quyết tâm xây dựng HueIC trở thành trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2025. Ban Giám hiệu Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và quản trị. Với các nền tảng số mà nhà trường đang sử dụng, giảng viên và sinh viên hoàn toàn có thể tương tác trực tuyến với nhau, tích hợp các bài giảng đa phương tiện để làm phong phú thêm bài học. Giảng viên và bộ phận quản lý có thể giám sát quá trình học tập của sinh viên, giao bài tập và đánh giá quá trình học tập của sinh viên một cách thuận tiện và chính xác. Theo TS Phạm Văn Quân - Hiệu trưởng Nhà trường, để tạo ra sự thay đổi đáp ứng cuộc CMCN 4.0, nhà trường xác định trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Song song với cách dạy lý thuyết truyền thông, Nhà trường chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể.
Hướng tới môi trường giáo dục thông minh
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số được nhận định là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục nói chung, các trường đại học/cao đẳng ngành Công Thương nói riêng. Để làm được điều đó, các cơ sở giáo dục của ngành cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể để phát triển thành đại học thông minh tương ứng với giai đoạn 3 của lộ trình chuyển đổi số - giai đoạn thay đổi toàn diện mô hình và cách thức hoạt động của nhà trường. Đầu tư hệ thống phòng học thông minh, thư viện điện tử, không gian học tập, trải nghiệm và đổi mới sáng tạo; bồi dưỡng, tập huấn về năng lực, công nghệ số cho đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ của mình phù hợp với chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế; đầu tư kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế có uy tín; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội…
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đảm bảo yêu cầu CMCN 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
Nguyễn Thị Hà