Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng môi trường không bảo đảm sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững trong hoạt động kinh doanh và kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần nhận thức đúng bản chất của kinh tế tuần hoàn, từ đó tiến tới thay đổi hành vi của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, áp dụng, xây dựng đổi mới công nghệ, thiết bị, để tái chế, xử lý chất thải hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích: tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường… Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân. Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Hội thảo đã tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường, những kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cũng như giới thiệu một số giải pháp công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải.
Phong Vũ - Quỳnh Nga