Thiệt hại do đại dịch COVID-19 tái bùng phát và kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và làm gia tăng bất bình đẳng về lâu dài. Doanh nghiệp vốn khỏe mạnh bị suy sụp khiến cho tài sản vô hình có giá trị bị mất đi, trong khi doanh nghiệp có khả năng sống sót phải đình hoãn những khoản đầu tư đem lại của cải vật chất. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng doanh nghiệp càng lớn thì càng ít bị cắt giảm doanh số, lại thuận lợi hơn trong áp dụng công nghệ tiên tiến và hưởng hỗ trợ của chính phủ.
Ông Aaditya Mattoo - Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới cho rằng, đẩy nhanh tiêm vắc xin và xét nghiệm để kiểm soát COVID-19 lây lan có thể là cách để những quốc gia đang gặp khó khăn hồi sinh các hoạt động kinh tế từ nửa đầu năm 2022, đồng thời có thể nhân đôi tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Nhưng về lâu dài, chỉ có những cải cách đi vào chiều sâu mới có thể ngăn ngừa tăng trưởng chững lại và bất bình đẳng gia tăng, là một cặp tác động gây bần cùng chưa từng thấy trong thế kỷ này.
Đặc biệt, Báo cáo đã chỉ ra việc gia tăng ứng dụng công nghệ có thể là điểm sáng của khủng hoảng lần này, với khả năng nâng cao năng suất, dân chủ hóa về giáo dục và cải thiện hoạt động các cơ quan nhà nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn cần những cải cách tương hỗ. Doanh nghiệp cần được trang bị kỹ năng để đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng song song với đó là nhu cầu mở cửa thương mại và đầu tư, kết hợp với những chính sách đẩy mạnh cạnh tranh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới. Triển khai cải cách giáo dục vốn bị trì hoãn nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy và sự phù hợp của chương trình học cũng có thể là cách để đảm bảo mở rộng khả năng tiếp cận lợi ích do công nghệ học tập mới đem lại.
Lê Quỳnh Anh